Home Cộng Đồng Trường “ma” gắn mác Mỹ qua mặt cơ quan quản lý Việt Nam như thế nào?
Cộng Đồng

Trường “ma” gắn mác Mỹ qua mặt cơ quan quản lý Việt Nam như thế nào?

Tại sao một trường không có cơ sở vật chất, học sinh, giáo viên, không được kiểm định chất lượng ở Mỹ lại có thể “qua mặt” cơ quan quản lý để liên kết đào tạo ở Việt Nam? Phụ huynh cần lời giải thích cho điều này. Ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất mà học sinh, phụ huynh đã phải chịu?

Đổ lỗi vòng quanh

Ngày 18.4, sau khi Đại sứ quán Mỹ khẳng định không thể tìm thấy Trường George Washington International School (GWIS) trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh nội địa Mỹ, của bang Florida hay California, Bộ GDĐT đã chính thức có công văn yêu cầu các Sở GDĐT trên cả nước xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh/thành phố về việc dừng hợp tác với GWIS, có giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi của HS và các bên liên quan. Như vậy, việc GWIS là trường ma đã không còn là “nghi vấn”.

Trước động thái này của cơ quan quản lý, Trường Tiểu học – THCS – THPT Newton (Hà Nội, đối tác quan trọng trong chương trình “du học tại chỗ” với GWIS từ năm 2012 đến nay) cũng ra thông báo với nội dụng: Trong thời gian làm rõ các nghi vấn, nhà trường quyết định tạm dừng hợp tác với GWIS để yêu cầu đơn vị này cung cấp giấy kiểm định chất lượng theo đề nghị của cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam.

Nhưng trong tất cả những thông báo trên của trường cũng như cơ quan quản lý giáo dục ở VN, không hề có dòng nào nói về việc nhận trách nhiệm khi để xảy ra việc một “trường ma” nhưng vẫn được cấp phép, duyệt hồ sơ và thực hiện đào tạo liên kết, lấy mác trường quốc tế, đào tạo song bằng để thu mức học phí cao ngất ngưởng, lên đến hàng trăm triệu đồng/năm học.

 
Trường Newton chưa nói gì đến  trách nhiệm khi liên kết với trường ma. 

Trường cho rằng họ nộp hồ sơ lên Sở GDĐT và được Sở thông qua. Sở lại cho rằng, họ không có chức năng cấp phép cho các trường quốc tế tổ chức liên kết đào tạo tại VN, mà phải trình hồ sơ lên Bộ GDĐT. Bộ thẩm định hồ sơ, giấy tờ, xem xét tính pháp lý và cho phép thì Sở và trường mới được hợp tác.

Nhưng đến nay, Bộ không nhận trách nhiệm, cả Sở và các trường cũng vậy.

“Chúng tôi có cảm giác như mình vừa bị lừa. Chúng tôi không chấp nhận cho một sự lừa đảo nào trong giáo dục, vì không chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi mà cả thế hệ tương lai của chúng ta”- anh T.N (một phụ huynh có con học hệ liên kết đào tạo song bằng ở Trường Newton) bức xúc.

Kiểm định “trên giấy”?

Từ sự việc trên cũng cho thấy những bất cập trong việc thẩm định hồ sơ liên kết đào tạo ở nước ta. Trong 6 năm hợp tác, bà Đặng Huyền Phong-Phó hiệu trưởng trường Tiểu học-THCS-THPT Newton thừa nhận, dù vẫn trao đổi định kỳ, đóng tiền học qua tài khoản ngân hàng cho đối tác GWIS, nhưng trường chưa bao giờ dẫn học sinh sang tham quan cơ sở của đối tác liên kết.

Dù chưa một lần đặt chân đến cơ sở GWIS tại Mỹ, vậy mà trường vẫn quảng cáo về chương trình đào tạo liên kết với GWIS rằng: Sau khi tốt nghiệp, học sinh của trường sẽ nhận được bằng tốt nghiệp, mà Chính phủ Mỹ và các trường chính danh ở Mỹ thừa nhận.

Còn các Sở GDĐT và Bộ GDĐT cũng thẩm định hồ sơ dựa trên các giấy tờ mà các trường trình lên, thiếu sự kiểm tra chéo. Đến lúc này, các phụ huynh, học sinh vẫn là những nạn nhân của việc cấp phép cho đào tạo liên kết mà chỉ thậm định hồ sơ trên giấy, trên Internet của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Theo Lao Động