Home Cộng Đồng Trần Đặng Đăng Khoa và hành trình một năm đi nửa vòng trái đất bằng xe máy
Cộng Đồng

Trần Đặng Đăng Khoa và hành trình một năm đi nửa vòng trái đất bằng xe máy

Alo Úc – Sau đúng 365 ngày, mình đã có hành trình phiêu lưu không tưởng băng ngang ba châu lục, thấy bao nhiêu cảnh đẹp, gặp bao nhiêu con người hay ho và thú vị, học được bao nhiêu điều.

Sau đúng một năm, mình đã có mặt ở Bogota, thủ đô của Colombia, đất nước ở cực Bắc của Nam Mỹ.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 1.

Sơ lược hành trình đi nửa vòng trái đất một năm qua của Trần Đặng Đăng Khoa

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 2.

Trong vòng một năm ấy, mình đã đi qua 30 quốc gia, bánh xe đã lăn bánh được 33.000km, trải nghiệm bao nhiêu điều thú vị:

– Lần đầu được ngắm dãy Himalaya hùng vĩ ở Nepal

– Trải qua cái nắng thiêu đốt và đầy màu sắc văn hóa ở vùng Trung Bắc Ấn

– Băng qua sa mạc đầy hiểm nguy cùng cảnh sát vũ trang bảo vệ ở khu biên giới Pakistan và Iran

– Đi thăm những đền đài Hồi giáo và công trình kiến trúc tuyệt đẹp và tráng lệ ở Bam, Kerman, Yazd, Isfahan và Tehran của Iran

– Vật vã sửa xe bị hỏng ở Georgia trong cái lạnh tê tái của vùng núi Caucasus với sự giúp sức của các bạn địa phươn

– Uống rượu rakia say “quên lối về” với những người bạn hiền lành và dễ mến ở một ngôi làng nhỏ ở Bulgaria

– Ghé thăm thị trấn nhỏ bé xinh đẹp Trebinje rồi giao lưu với các thanh thiếu niên địa phương thân thiện và dễ mến ở Bosnia & Herzegovina

– Chìm đắm trong chiều dài lịch sử ở những di sản UNESCO của Hy Lạp ở Athens, Meteora, Thessaloniki…

– Ngắm nhìn mùa thu nước lá vàng lộng lẫy ở châu Âu, cũng như gặp gỡ giao lưu với các anh chị em kiều bào ở đây

– Chạy xe leo qua dãy núi Alps tuyết phủ ở Thụy Sỹ.

– Bị hết xăng giữa sa mạc Atacama khô hạn nhất thế giới, phải đợi xe đi ngang qua để xin thêm xăng.

– Đón giao thừa năm Mậu Tuất ở Cusco, Peru – cố đô của đế chế Inca bên kia nửa vòng Trái đất cùng với các anh em người Việt công tác ở đây.

– Mạo hiểm chạy xe trên con đường tử thần North Yungas ở Bolivia, nơi từng được mệnh danh là con đường nguy hiểm nhất thế giới

– Len lỏi trong rừng thẳm Amazon rồi đi câu cá Piranha, bắt cá sấu caiman trong đêm

– Leo ngọn núi lửa Cotopaxi ở Ecuador, một trong những ngọn núi lửa gần xích đạo nhất và còn hoạt động của thế giới

– Leo vách đá 300m rồi ngủ ở khách sạn treo trên vách đá đầu tiên của thế giới ở thung lũng linh thiêng, Peru

– Chèo xuồng vượt thác ở con sông Pastaza hung hãn ở Banos

– Thưởng thức đủ loại thức ăn đường phố đặc trưng ở Colombia cũng như các nước Nam Mỹ khác

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 6.
Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 7.

Nước ở lâu nhất: Chile và Peru với cùng 2 tháng. Nước ở ít nhất: Lichtenstein và Luxembourg (1 ngày) do diện tích rất nhỏ, chạy chút là qua mất hồi nào không hay. Thành phố ở lâu nhất: Santiago – thủ đô Chile, 1 tháng rưỡi, thứ nhì là Lima, thủ đô Peru ở 1 tháng.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 8.

Số km đã đi: Xấp xỉ 33.000km, trong đó nước đi cự ly nhiều nhất là Iran và Pakistan cùng với 3.300km. Nước ngắn nhất: Lichtenstein: 15km

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 9.

Xài hết 3 vỏ trước + 3 vỏ sau, 7 ruột xe.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 10.

Đã đổ hết khoảng 800 lít xăng, xài hết gần 40 chai nhớt. Thay 2 bộ nhông – sên – dĩa, 1 bộ bố nồi, 4 má phanh, 2 ron lốc nồi, còn lại xe ổn định, không hư hỏng lặt vặt gì do chăm xe kỹ và kiểm tra hàng ngày.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 11.

Chỗ bị lạnh nhất: Áo, Đức, Pháp và cao nguyên trên 4.000m ở Peru, có đêm phải đi muộn nên nhiệt độ xuống chỉ còn 2 đến 3 độ C. Chỗ nóng nhất: sa mạc Lut ở Iran, nơi có nhiệt độ bề mặt cao nhất thế giới từng được ghi nhận, và sa mạc Atacama ở Chile là nơi khô nhất Trái đất. Khi qua vùng Trung Bắc Ấn tháng 6, mình cũng phải chịu cái nóng rát kinh khủng.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 12.

Đất nước có cảnh thiên nhiên đẹp nhất: Thụy Sỹ, Bolivia và Ecuador. Đất nước có những công trình cổ kính và hoành tráng nhất: Ấn Độ, Iran, Ý, Pháp, Đức… Đất nước có cảnh và nhà cửa hài hòa đẹp mắt nhất: Ý, Hy Lạp, Peru. Đất nước người dân hiền lành và thân thiện, dễ bắt chuyện nhất: Thái, Nepal, Pakistan, Georgia, Hà Lan, Colombia…

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 13.

Nơi đắt đỏ nhất: Thụy Sỹ, Luxembourg và Lichtenstein. Nơi rẻ nhất: Nepal, Thái Lan, Iran. Đất nước tốn tiền nhiều nhất đến thời điểm hiện tại là Chile.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 14.

Nơi cao nhất đặt chân đến: vách núi ở độ cao 5.500m gần đỉnh núi lửa Cotopaxi ở Ecuador. Nơi thấp nhất chắc là ở Hà Lan, vì thấp hơn mực nước biển.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 15.

Đoạn đường nguy hiểm nhất: Con đường tử thần North Yungas ở Bolivia. Nơi hoang vu nhất đi qua: Sa mạc Balochistan ở Pakistan, có đoạn cả hơn 200km mới có người ở.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 16.

Các tôn giáo chính ở các quốc gia đã đi qua: Phật giáo, Hindu giáo, Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shite, Hỏa giáo, Chính thống giáo Đông phương, Thiên chúa giáo La Mã, chưa kể các tôn giáo nhỏ khác như Kỳ Na giáo, Sikh giáo…

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 17.

Ngoài người dân các nước đi qua thì còn gặp công dân của khoảng 40 nước khác. Gặp người Việt ở các nước Thái Lan, Nepal, Pakistan, Ý, Thụy Sỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Chile, Peru, Colombia.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 18.

Ngoài xe máy là phương tiện chính, mình còn đi các phương tiện sau: xe ôm, tuk tuk, ricksaw và auto-ricksaw, buýt, metro, skytrain, xe đò + xe khách lớn nhỏ, taxi, xe lửa, máy bay, tàu biển, phà biển, thuyền trên sông, thuyền trên hồ, không thể thiếu… đi bộ và trekking rất nhiều nữa.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 19.

Đã viết nhật ký chuyến đi được 600.000 từ, chụp xấp xỉ 50.000 tấm ảnh và video, tốn 450GB dung lượng.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 20.

Số lần bị tai nạn: 0. Số lần bị bệnh: 0 (trừ vài lần bụng hơi khó tiêu không đáng kể).

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 22.

– Cũng như trong cuộc sống thường nhật, luôn có phương án dự phòng cho mọi trường hợp, luôn có một ít tiền phòng thân, mua bảo hiểm du lịch đầy đủ, có tiền mặt giấu riêng một chỗ phòng khi cần đến hoặc để về lại nhà, giấy tờ luôn lưu trữvà photo ra nhiều bộ phòng khi thất lạc, có phụ tùng xe thay thế khi cần đến, có phương án đi tiếp nước khác nếu không xin được visa đến một nước nào đó, trữ một ít đồ ăn và nước uống phòng thân, có lều trại và túi ngủ, quần áo khô v.v… phòng khi lạc đường hoặc hư xe giữa đường.

– Sức khỏe và sự minh mẫn là quan trọng hơn cả. Có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái thì mới có sức và động lực để đi khám phá khắp nơi, để vượt qua những trở ngại và khó khăn trên đường, mới tỉnh táo để cảnh giác trước các rủi ro tiềm ẩn và bình tĩnh xử lý khi sự cố xảy ra. Ăn ngủ điều độ và đầy đủ. Nếu cảm thấy không khỏe thì phải dừng lại nghỉ ngơi ngay, đến khi nào hồi phục hoàn toàn thì hãy đi tiếp.

– Trọng lượng là một trong những điều đáng lưu tâm nhất khi đi du lịch. Giảm trọng lượng càng nhiều thì xe sẽ càng khỏe, tiết kiệm xăng hơn, vượt qua các đoạn đường xấu nhẹ nhàng hơn. Đồ nào không cần dùng nữa cứ mạnh dạn bỏ lại hoặc tặng bà con dọc đường, khi nào thật cần thì mua lại.

– Tập cách thích nghi và hòa nhập trong mọi hoàn cảnh, mọi nền văn hóa, mọi phong tục tập quán ở nơi mình đến. Đó cũng là cách để trải nghiệm cuộc sống ở nơi chốn ấy, tiếp xúc và cảm nhận với suy nghĩ của người dân nơi ấy, để biết được những điều mà mình chưa bao giờ được nghe hay nhắc đến, để biết rằng thế giới có biết bao điều kỳ lạ và thú vị cần được khám phá. Không có một câu trả lời chung cho tất cả mọi thứ trên đời, tất cả đều khác biệt và hãy đón nhận nó với tất cả trái tim mình.

– Đi du lịch một mình không đồng nghĩa với cô đơn, vì bản thân mỗi người có thể tự hòa nhập vào một cộng đồng đó và tự kết bạn với những người bạn mới quanh mình.

– Học được cách quên và cách chấp nhận cuộc sống như nó đã từng để tiếp tục lên đường và tận hưởng cuộc sống: quên đi những đau khổ, phiền muộn trong quá khứ, quên đi những mối quan hệ không kết quả, những kỉ niệm không vui; chấp nhận khó khăn và rủi ro có thể sẽ xảy đến cho bản thân, chấp nhận những mất mát và sự đánh đổi không thể tránh được để tiếp tục lên đường.

– Phát triển kĩ năng giao tiếp và ứng xử một cách toàn diện nhất có thể, vì đất nước khác nhau lại có nền văn hóa và quy tắc ứng xử riêng, ngôn ngữ riêng, mỗi người lại ở một độ tuổi khác nhau, một tính cách khác nhau, một tầng lớp, công việc, thái độ khác nhau.

Do chỉ biết mỗi ngoại ngữ là tiếng Anh, đều không phải là ngôn ngữ chính của tất cả các quốc gia vừa đi qua, nên mình phải tìm mọi cách để giao tiếp với họ và truyền đạt ý của mình, cũng như cố gắng hiểu họ đang nói gì nữa, đặc biệt là khi có sự cố phát sinh trên đường, cần sự giúp đỡ của họ.

Sau một năm, mình đã kết bạn được với vô số bạn bè trên đường, những bạn người địa phương và cả những người bạn khác đang lang thang trên cung đường phiêu lưu của mình. Đi mới thấy rằng hầu như mọi người, thuộc mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi quốc gia, đều là những con người tử tế, thân thiện, không như truyền thông hay gây tiếng xấu cho họ, mới thấy rằng con người về cơ bản là tốt đẹp, chỉ có một số cực ít người là “kẻ xấu” mà thôi.

– Đi nhiều, thấy nhiều cảnh đẹp, nhưng cũng thấy nhiều cảnh khổ, thấy con người phải đau khổ chịu đựng với bệnh tật, phải chật vật chống chọi với số phận để tiếp tục sống, mỗi người đều có một nỗi khổ và đang phải chiến đấu với cuộc chiến của chính mình, cũng như câu nói: “Mỗi người ta gặp đều sợ một cái gì đó, yêu một cái gì đó và đều đã đánh mất một thứ gì đó”.

Sau đó mới thấy rằng mình thật hạnh phúc và biết ơn cuộc đời biết bao khi mỗi ngày thức dậy khỏe mạnh, được ăn no, mặc đồ sạch, được tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình, để biết trân quý mỗi ngày trong cõi đời này, để tìm được cái đẹp trong những gì nhỏ bé nhất, vì cuộc sống của mỗi người là hữu hạn.

Sau này có muốn thay đổi cũng không còn kịp nữa. Đó cũng là bài học về cách sống đơn giản, tiết kiệm, biết gì là đủ cho mình, không cần quá nhiều vật chất, vật dụng, quần áo, những món đồ đắt tiền v.v… để cảm thấy hạnh phúc cho cuộc sống của mình, đi rồi mới nhận ra hóa ra mình không cần nhiều thứ đến thế để có thể sống được, sống tốt và cảm thấy mãn nguyện với cuộc đời của mình.

– Học cách mỉm cười luôn luôn, đó là một kinh nghiệm không bao giờ cũ, là công cụ giao tiếp hữu hiệu nhất, là cách bảo vệ bản thân và giúp đỡ chính bản thân mình nhiều nhất.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 27.

Từ Bogota của Columbia, mình đã xin thành công visa Úc. Trong lúc chờ đợi visa thì sẽ bay sang Brazil rồi một vài nước ở Đông Caribbean như St. Lucia, St. Vincent and the Granadines, đến Haiti, Cuba, Mexico, Panama, chủ yếu ghé thăm một số địa danh nổi tiếng và trải nghiệm cuộc sống ngắn ngày ở đó rồi trở lại Bogota, ship xe sang Sydney, Úc.

Từ Sydney lại băng ngang nước Úc trong 3 tháng đến Melbourne, về phía Tây đến thành phố Perth rồi từ đó lại tiếp tục ship xe sang Tanzania, dành khoảng 6 tháng để lang thang Tanzania, Zambia, Zimbabwe, Mozambique, Madagascar, Uganda, Malawi, Rwandan rồi trở lại Kenya để ship xe sang Mumbai, Ấn Độ, rồi lần lượt trở lại Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia rồi về lại quê hương Việt Nam.

Nếu nhắm thời gian và điều kiện kinh tế cho phép thì trước khi qua Úc sẽ sang Mỹ, Canada rồi từ Los Angeles mới ship xe sang Sydney sau.

Trần Đặng Đăng Khoa: Một năm đi nửa vòng Trái đất bằng xe máy - Ảnh 28.
Theo Tuổi Trẻ