Home Cộng Đồng Ông Trump siết chặt khâu nhập cảnh vào Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ở New York
Cộng Đồng

Ông Trump siết chặt khâu nhập cảnh vào Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ở New York

Người Mỹ nhiều lần phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump. Nhưng giữa lúc khủng bố diễn ra ngay ở New York, liệu lần này mọi chuyện sẽ khác?

Tổng thống Trump đã yêu cầu đẩy mạnh lệnh rà soát người nhập cảnh sau khi thành phố New York chứng kiến vụ tấn công bị nghi liên quan tới Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

“Politically correct”

Ông viết trên Twitter ngày 1-11: “Tôi vừa yêu cầu Bộ An ninh nội địa tiến hành các bước tiếp theo về chương trình rà soát đặc biệt. Tỏ ra hòa nhã thì tốt đây nhưng không phải trong trường hợp này”.

Trong đoạn trên, ông Trump dùng từ “politically correct”, chỉ một lời nói hay hành động “đúng một cách chính trị”. Cụm từ này có thể hiểu là những lời nói hòa nhã, dễ nghe với mọi người nhưng không hẳn đúng đắn.

Ngược lại là cụm “politically incorrect”, tức những lời nói nghe qua chói tai, hơi “sai”, nhưng thực tế lại đúng đắn.

Ở đây, vị Tổng thống Mỹ muốn nhấn vào thực tế rằng các thành viên Đảng Dân chủ và phe ủng hộ người nhập cư luôn chống đối ông. Thay vì nhận thức được mối hiểm họa từ khủng bố cực đoan, phe chống đối thường “politically correct” bằng những lời lẽ hòa nhã, tỏ ra bao dung, và những giai điệu ấy tất nhiên dễ nghe hơn những lời lẽ mang tính cấm đoán.

Hồi tháng 1 vừa qua, ông Trump đã ký một sắc lệnh tăng cường giám sát chặt chẽ những người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng gọi đó là phương pháp bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố. Gần đây, ông tiếp tục nỗ lực áp đặt lệnh cấm công dân từ 8 nước, trong đó có Iran, Libya, Syria và Yemen.

Nhưng như đã biết, rất nhiều hành động của Tổng thống Mỹ liên quan tới vấn đề nhập cư và di chuyển đã bị chống lại. Các tòa án ở Mỹ thường được ca ngợi như người hùng vì chống tổng thống, bảo vệ quyền của người nhập cư.

Không công tâm?

Sayfullo Habibullaevic Saipov, tên của nghi phạm thực hiện cú lao xe tải trong vụ “khủng bố” ngày 31-10, là một người gốc Uzbekistan. Đây lại là một trường hợp nữa bị nghi liên quan tới IS, hay nói cách khác là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Ông Trump, không khó hiểu, khi đã “tận dụng” chuyện gốc gác của nghi phạm này để nhấn mạnh tầm quan trọng trong ý tưởng chống khủng bố của mình. Báo Atlantictrong bài viết ngày 1-11 cho rằng “ít khả năng Trump sẽ giữ im lặng. Khi khủng bố không phải người đạo Hồi thì ông ấy mới có thể ngưng nói”.

Tờ báo này nhắc lại phản ứng trái ngược của ông Trump trong các vụ giết người kiểu này, giữa một bên là người đạo Hồi, và một bên là người da trắng. Lâu nay ông Trump vẫn bị chỉ trích và gắn liền với chi tiết rằng ông được những người cực đoan da trắng ủng hộ.

Lấy ví dụ trong vụ giết 6 người tại một nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Quebec (Canada) tháng 1 năm nay, ông Trump không nói gì cả.

Ông Trump siết chặt nhập cảnh sau vụ tấn công New York - Ảnh 2.

Phản ứng của thân nhân người bị hại sau vụ xả súng tại Orlando năm 2016 – Ảnh:

Ông cũng khá im ắng khi một người Mỹ gốc Phi bị đâm trong một vụ tấn công mang hơi hướng cực đoan ở New York trong tháng 3, cũng như trường hợp một người đàn ông theo chủ nghĩa “thượng tôn da trắng” đâm một người gốc Phi khác tại Maryland hồi tháng 5.

Ở vụ một người Mỹ gốc Ấn bị sát hại tại thành phố Kansas hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ cũng “mất tới 6 ngày để nhắc tới nó”…

Ngược lại, khi sát nhân là những người đạo Hồi thì ông Trump phản ứng mạnh mẽ. Thậm chí sau vụ thảm sát chấn động Paris (Pháp) năm 2015, ông Trump thời điểm ấy đã nói rằng nếu được bầu, ông sẽ “cân nhắc mạnh mẽ” việc đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo.

Tương tự là những lần ông Trump “lên giọng” rất nhanh và mạnh mẽ sau các vụ khủng bố có nghi phạm và hung thủ là người gốc gác Hồi giáo, đơn cử là vụ thảm sát ở San Bernardino hay vụ xả súng tại hộp đêm ở Orlando.

Trong cả chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, báo chí từng phân tích được rằng cứ mỗi lúc xảy ra khủng bố cực đoan ở đâu đó, tỉ lệ ủng hộ của ông Trump lại tăng vọt. Ông gần như khai thác rất tốt tâm lý lo sợ của cử tri đối với chủ nghĩa khủng bố.

Và dù gì đi nữa, sự lựa chọn của người Mỹ đối với chuyện mở rộng vòng tay hay đóng chặt cửa với người dân của các nước đa phần theo đạo Hồi sẽ tiếp tục đứng trước thách thức. Liệu họ có thực sự nghĩ rằng việc cấm cửa công dân các nước ấy nhập cảnh của Tổng thống nước mình có là “lời chói tai nhưng đúng đắn” hay không?

Theo Nhật Đăng – Báo Tuổi Trẻ