Home Cộng Đồng Người Việt ở Úc: Khám phá khu chợ Việt Cabramatta ở Sydney
Cộng Đồng

Người Việt ở Úc: Khám phá khu chợ Việt Cabramatta ở Sydney

www.Alouc.com – Sáu năm trước, Cabramatta là một vùng bán nông thôn, bán thành thị. Nhưng chỉ sau vài năm định cư, người Việt đã biến khu vực này thành một trong những khu phố sầm uất và sinh động nhất của Sydney, Australia.

Mỗi khi nhắc đến những sinh hoạt đáng nhớ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tôi nghĩ ngay đến tiêu đề của một chương trình ca nhạc “Chúng ta đi mang theo quê hương”. Người Việt chúng ta sống trong một nền văn hóa lâu đời, và khi đi định cư ở nước ngoài, chúng ta cũng mang theo văn hóa Việt Nam, kể cả những thói quen sinh hoạt, thậm chí tập tục, đến nước sở tại. 

Những nét sinh hoạt chợ búa của người Việt ở Cabramatta (Australia) là một minh chứng rất sinh động và cụ thể cho khái niệm di truyền văn hoá.

 
 
Một người phụ nữ Việt Nam đang bán rau quả. ở Cabramatta. Bà cụ này tận dụng luôn cái ghế công cộng để bày hàng hoá.

Khu phố Cabramatta, được mệnh danh là “thủ đô” của người Việt ở bang New South Wales, Australia. Có khi báo chí Australia gọi vui là Vietnamatta.  Ba mươi năm trước, Cabramatta là một vùng bán nông thôn, bán thành thị, rất ít hàng quán. Thời đó, tôi ở trong một một khu trọ dành cho người mới định cư, cách khu phố Cabramatta khoảng 2 cây số, nên thường hay ra phố mua thực phẩm. Chỉ có một tiệm duy nhất bán thực phẩm đến từ châu Á, nên sự lựa chọn cũng hạn chế trong các mặt hàng như mì tôm, nước mắm, nước tương, bún khô, v.v. Nhưng chỉ khoảng 10 năm định cư, người Việt đã biến khu bán nông thôn này thành một trong những khu phố sầm uất và sinh động nhất của Sydney. Giá cho thuê mặt bằng và cửa hàng ở đây đắt không kém gì khu trung tâm thành phố Sydney.

Cabramatta là một khu phố đặc thù Việt Nam. Cabramatta không giống như những khu phố người Hoa (China Town), khác với khu phố của người Hàn Quốc, và dĩ nhiên rất khác với các khu phố tập trung đông người Ý hay Hi Lạp. Có thể nói rằng Cabramatta là một phiên bản nhỏ của Sài Gòn thuở xưa. Hàng quán ở đây rất hẹp, bề ngang chỉ 4-6 mét, chiều dài cũng chỉ 10-20 mét. Cũng như Sài Gòn có những con hẻm chật hẹp và tấp nập, Cabramatta cũng có những con hẻm san sát nhau và cũng khá … dơ bẩn. Cũng như ở Sài Gòn, đường phố Cabramatta rất hẹp, vì chủ cửa hàng phải … lấn đường để bày bán hàng hoá. Đường đi đáng lý là 4 m, thì nay chỉ còn 1 m, vì hai bên đường các chủ cửa hàng đều lấn đường.

Nếu những ai đã quen với lối sống của Tây hay quen với các phố xá Tây thì sẽ cảm thấy không thoải mái khi đến Cabramatta. Tìm chỗ đậu xe ở Cabramatta là một ác mộng. Một số người Việt không có thói quen nhường nhịn, nên sẵn sàng chụp giật để có được một chỗ đậu xe. Có khi người ta đánh nhau để tranh giành một chỗ đậu xe chỉ vài mươi phút! Lại có người thản nhiên dừng xe một chỗ để cho hàng trăm xe khác phí sau phải … bất động. Những cảnh tượng này diễn ra hàng tuần ở Cabramatta và nhiều khu phố khác có đông người Việt.

 

Cái xô bồ, chật hẹp, và có phần dơ bẩn ở khu phố Cabramatta vẫn không làm chùn bước khách thập phương đến đây. Ngày nay, cứ đến cuối tuần là hàng vạn khách khắp nơi, có khi từ bang khác, kéo về đây để ăn uống và mua hàng hoá, thực phẩm, rau quả. Tuy phần lớn khách là người Việt, nhưng mấy năm gần đây Cabramatta còn thu hút rất nhiều khách Ấn Độ, Ả Rập, Hàn Quốc, và dĩ nhiên là người Úc bản xứ. Một số khách ghé Cabramatta để mua vải, lụa, và quần áo.  Phần lớn quần áo và hàng tiêu dùng xuất phát từ Trung Quốc nhái theo kiểu Việt Nam.  Giới trung lưu cũng ghé Cabramatta để thưởng thức những món ăn ngon, chứ họ không bao giờ mua những quần áo hay hàng hoá mà nói tiếng người Mỹ gom lại thành câu “cheap and nasty” (rẻ và bẩn).

Một trong những lí do người ta hay ghé Cabramatta là ẩm thực.  Ẩm thực Việt có sức hút rất lớn. Mấy năm gần đây, các công ty du lịch tổ chức những chuyến “du lịch ẩm thực” dành cho người Úc đến Cabramatta, nơi mà họ có thể thưởng thức những món ăn độc đáo không nơi nào có.  Rất nhiều khách “ngoại” (Hàn Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, v.v.) đến đây chủ yếu là để thưởng thức món phở của Việt Nam. Họ có thể chỉ tiêu ra không đầy 50 AUD (đô-la Úc) là đã có được những món ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng.

Một lí do khác để ghé Cabramatta là để nhớ lại chợ búa bên Việt Nam. Người Việt đi đâu cũng nhớ đến chợ búa bên nhà. Mà, chợ Úc thì không có cái không gian, không có cái mùi vị, không có những tiếng ơi ới như chợ Cabramatta. Do đó, thôi thì chịu vài mươi phút phiền phức để mua được vài món đồ mình thích, hay ít ra cũng được trải nghiệm cái không khí chợ bên nhà. Tôi có lẽ là một trong những người có suy nghĩ như thế.

Vài năm gần đây, Cabramatta còn có thêm một nét văn hoá khác mà rất khó tìm thấy hay không có ở các khu chợ của Úc: bán hàng rong. Bên cạnh những cửa hàng có đăng kí hợp pháp, xuất hiện những gánh hàng rong giống y như ở các chợ bên Việt Nam.  

Những người bán hàng rong thường cao tuổi, có thể là nghỉ hưu, hay mới đến Úc theo diện con cháu bảo trợ. “Hàng hóa” thường là rau quả trồng trong vườn nhà, bánh do chính các cụ tự chế biến, nhưng cũng có cả những món ăn nấu sẵn như mắm lóc hấp trứng, bì cuốn, cá chiên, hay nói chung là những món tự làm và mang đi bán. Những thức ăn nấu sẵn đều được để trong hộp nghiêm chỉnh. Cũng như ở Việt Nam, những gánh hàng rong thường có những món ăn độc đáo và ngon, một số món ăn do các cụ nấu cũng rất ngon, chứ không phải xoàng.

Vì các cụ không có đăng kí cửa hàng, nên phải dùng lề đường làm nơi kinh doanh. Dĩ nhiên, kinh doanh như thế là bất hợp pháp đối với luật pháp ở đây, nhưng các cụ cứ … mặc kệ! Có khi bị thanh tra của Hội đồng thành phố xua đuổi, nhưng cũng như ở Việt Nam, chỉ vài giờ sau là đâu vẫn vào đấy, các cụ lại bày hàng ra bán tiếp khi nhân viên Hội đồng thành phố đã đi. Sau nhiều đợt càn quét, các nhân viên của Hội đồng thành phố địa phương cũng mệt hay …lờ đi! Thế là thừa thắng xông lên, các cụ càng ngày càng đông. Không chỉ ở Cabramatta, ở các khu phố có đông người Việt khác, các cụ cũng xuất hiện với gánh hàng rong. Bây giờ, những hình ảnh như thế đã trở thành quen thuộc trong cộng đồng, nên hình như ít ai bận tâm hay ngạc nhiên.

Bên cạnh bà cụ bán rau quả là một “tiệm” chạp phô, có bán cả khoai lang và các món ăn nấu sẵn.

Bán hàng rong dĩ nhiên là một nét văn hoá Á đông, và đặc biệt là của Việt Nam. Tôi không rõ bán hàng rong ở Việt Nam bắt đầu từ thời điểm nào, nhưng chắc chắn phải vài trăm năm. Từ làng quê đến thành thị chúng ta đều thấy gánh hàng rong. Phía sau những gánh hàng rong đó có thể những mảnh đời đáng thương, là một nét văn hoá của quê hương. Mà, những mảnh đời khó khăn thì ở đâu cũng có, và văn hoá thì mang tính … di truyền, nên bán hàng rong được đem từ Việt Nam sang tận nước Úc xa xôi là chuyện cũng không khó hiểu. Đúng là chúng ta đi mang theo quê hương.