Home Cộng Đồng Nam thanh niên người Úc đột quỵ khi tập gym tại Hà Nội
Cộng Đồng

Nam thanh niên người Úc đột quỵ khi tập gym tại Hà Nội

Báo Úc – Đang tập gym tại phòng tập, nam thanh niên 23 tuổi, quốc tịch Australia, bị đột quỵ, ngừng tuần hoàn.

Theo đó, khoảng 15 giờ 45 phút ngày 6/3/2016, trong lúc đang tập gym tại một phòng tập ở Hà Nội, nam thanh niên người nước ngoài nói trên đột ngột ngừng tuần hoàn. Một nhân viên y tế đang tập bên cạnh đã nhanh chóng tiến hành ép tim tại chỗ trong 5-7 phút rồi đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) trong tình trạng đã bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, đồng tử 2 bên giãn.

Với kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, thân nhiệt bệnh nhân được hạ xuống mức thấp, 33 độ C để bảo vệ não không bị tổn thương sau ngừng tuần hoàn.
Với kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, thân nhiệt bệnh nhân được hạ xuống mức thấp, 33 độ C để bảo vệ não không bị tổn thương sau ngừng tuần hoàn.

Trước tình huống này, các bác sĩ khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim, bóp bóng oxy, thuốc vận mạch liều cao, sốc điện nhiều lần.

Phải sau khoảng gần 40 phút cấp cứu, bệnh nhân mới có dấu hiệu hồi phục nhịp tim, huyết áp và được chuyển ngay đến khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) ngay trong ngày.

Tại Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn to, PXAS yếu. Các bác sĩ vừa tiến hành hồi sức tích cực, vừa hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu bệnh nhân.

Theo bác sĩ, về mặt lý thuyết, việc ngừng tim chỉ 3 phút mà không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10%. Vì khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề và các phản ứng có hại do thiếu máu não gây ra tiếp tục gây hủy hoại tế bào não mặc dù đã phục hồi được máu lên não.

Khi đó, dù người bệnh có được cứu sống thì bệnh nhân sau ngừng tim để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật).

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài, tiên lượng rất xấu và sẽ có những nguy cơ tổn thương não dù có cứu được bệnh nhân. Vì thế, các bác sĩ quyết định triển khai ngay lập tức kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy và bệnh nhân đã có sự phục hồi rất tốt.

TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 cho biết, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân xuống mức dưới 36 độ C (33 – 36 độ C). Khi ở nhiệt độ này sẽ giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan.

Với bệnh nhân này, sau 3 ngày áp dụng liệu trình điều trị hạ thân nhiệt, ý thức bệnh nhân cải thiện hơn, đã có thể nhận ra người thân. Bệnh nhân cũng đã được ngừng thuốc nâng huyết áp, tự thở, rút được ống NKQ và sau 5 ngày bệnh nhân đã có thể tiếp xúc, giao tiếp tốt và sau đó đã được xuất viện.

TS Chi cho biết thêm, kỹ thuật hạ thân nhiệt đã được một số nước như Mỹ, Úc, một số nước châu Âu triển khai. Tại Việt Nam, khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật điều trị hạ thân nhiệt nội mạch) từ năm 2015. Đến nay, đã có trên 30 bệnh nhân đã được cứu sống, trở về cuộc sống bình thường nhờ kỹ thuật này.

Theo Dân Trí