Home Cộng Đồng Lao động tới Úc theo dạng du lịch kết hợp lao động bị ép phải ở nhà tồi tàn
Cộng Đồng

Lao động tới Úc theo dạng du lịch kết hợp lao động bị ép phải ở nhà tồi tàn

(www.Alouc.com) – Nhiều người nước ngoài tới Úc theo dạng du lịch kết hợp lao động đang bị ép phải ở trong những căn nhà tồi tàn với giá thuê đắt đỏ chỉ vì muốn được công nhận đủ ngày làm để kéo dài visa của mình.

Và nếu họ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, toàn bộ ngày làm và tiền cọc đã nộp trước đó đều sẽ “tan thành mây khói”.

backpacker
Johanna Kiessling, một khách người Đức tới Úc theo visa lao động kết hợp du lịch bị yêu cầu phải trả 200 đô tiền thuê nhà mỗi tuần để giữ công việc hái cà chua lương 7 đô la/giờ. Ảnh: abc

Theo một vài khiếu nại, dân du lịch ba lô (backpackers) làm việc trên các nông trại ở Úc đang bị chủ thuê lừa phải trả những khoản phí khó hiểu cho nơi ở “chẳng ra làm sao”.

Đã một năm kể từ khi cuộc điều tra của chương trình Four Corners của Đài ABC tiết lộ điều kiện làm việc như nô lệ của những người có thị thực lao động trong kì nghỉ 417 (working holiday visa 417), những người du lịch ba lô cho biết tình trạng đen tối đó vẫn còn đầy rẫy.

Những ai muốn ở thêm năm thứ 2 tại Úc sẽ phải hoàn thành 88 ngày làm việc tại bản địa theo các hình thức như trồng cây nuôi thú, câu cá và mò ngọc, chăm sóc và chặt cây, khai thác mỏ hoặc xây dựng, và được chủ thuê công nhận đủ số ngày làm.

Từ tháng 8 năm ngoái, Chính phủ liên bang đã yêu cầu các backpackers này phải cung cấp bảng lương khi nộp đơn xin thị thực để bảo đảm mức lương của họ đạt mức tối thiểu 17,7 đô la/giờ.

Tuy nhiên, có những khiếu nại nói rằng một vài chủ thuê đã cắt giảm tiền lương phải trả bằng cách yêu cầu nhân viên trả hàng trăm đô la tiền mặt mỗi tuần để ở trong những ngôi nhà đang xuống cấp, đổi lại họ sẽ được thêm vài giờ làm việc.

Đài ABC đã nhìn thấy những hợp đồng nêu lên mối quan hệ giữa công việc trên nông trại và phí thuê nhà lên đến 240 đô la/tuần.

“Nếu bạn chuyển ra khỏi chỗ ở chúng tôi đã sắp xếp, hợp đồng lao động sẽ vô hiệu ngay lập thức,” hợp đồng của một chủ thuê ở khu vực Bundaberg, Queensland nêu rõ.

Một hợp đồng khác từ chủ thuê ở Sunshine Coast, Queensland nêu:

“Bạn chấp nhận kí vì thời gian làm việc và ở lại nông trại. Nếu bạn phá vỡ hợp đồng này tất cả tiền đặt cọc và đơn từ xin thị thực lao động sẽ trở thành vô hiệu. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không được công nhận những ngày làm việc trước đó (nguyên văn) cho tới thị thực thứ hai và sẽ mất tất cả tiền cọc.”

Để giải quyết những trường hợp cấp hợp đồng lao động như thế này, Anthony Staatz, chủ tịch Lockyer Valley Growers (hội người trồng cây thung lũng Lockyer) tại phía đông-nam Queensland, đã kêu gọi Chính phủ thiết lập một quá trình chứng nhận.

“Lĩnh vực lao động, dù là nông nghiệp hay bất cứ ngành nào khác, đã bị xem nhẹ khi để xảy ra tình trạng nhân viên bị ngược đãi. Đã đến lúc Chính phủ chấp nhận trách nhiệm để đảm bảo việc tuân thủ và thực thi pháp luật hiệu quả,” ông nói.

Sophie: Mọi người sẽ đến và nhận ra chẳng có công việc nào cả

Trong khi đang cố gắng để lấy thị thực lần hai, du khách đến từ Anh – Sophie Ferrier đã nhận một công việc hái quả được trả 21 đô la/giờ.

backpacker1
Sophie Ferrier nói rằng cô chỉ được làm việc 28 ngày trên nông trại trong suốt 3 tháng. Ảnh: abc

Một điều kiện trong hợp đồng yêu cầu cô phải ở nơi được nông trại cung cấp, có giá 120 đô la một tuần.

Cô cho biết mình chỉ được làm một số ít việc mỗi tuần, nghĩa là đến cuối thời hạn 3 tháng cô chỉ còn “chưa đến 2000 đô la” và số ngày làm việc được xác nhận chưa đến một nửa.

“Khi mới bắt đầu tôi làm việc từ 2-4 giờ, mỗi tuần chỉ có 3 ngày. Tôi đã ở đây được 3 tháng và chỉ hoàn thành được 28 ngày,” cô nói.

“Lý do họ đưa quá nhiều người vào đây trong khi chẳng có mấy việc là vì những người đó sẽ trả lại 120 đô la mỗi tuần.”

“Trước khi đến đây chúng tôi phải đóng tiền đặt trước là 250 đô la, nếu rời đi trước khi hợp đồng kết thúc sẽ không được hoàn lại. Nếu bạn vi phạm thời gian trong hợp đồng họ sẽ không xác nhận cho bạn.”

“Tôi nghĩ họ (chủ thuê) đã biết là sẽ có người đến, nhận ra là không có việc nên hơn cả việc thu tiền thuê nhà 120 đô la một tuần họ còn giữ 250 đô.”

Johanna: Chỗ ở tạm ổn – trừ rệp và giá tiền

Du khách đến từ Đức Johanna Kiessling vì để giữ thị thực làm việc trong kì nghỉ (lần hai) của mình, đã bị trói buộc vào một hợp đồng lao động và thuê nhà tại thung lũng Lockyer ở Queensland, khiến cô phải trả 200 đô tiền thuê mỗi tuần để giữ công việc hái cà chua có lương 7 đô/giờ.

backpacker2
Khách du lịch lao động ở Lockyer Valley phàn nàn về chất lượng nơi ở “không đáng đồng tiền”Ảnh: abc

Hợp đồng được sắp xếp bởi một người môi giới hứa hẹn tìm cho Johanna nhiều công việc nếu chấp nhận thuê qua người đó.

Johanna cho biết chỗ ở của mình “ổn” vì không giống như nhưng trường hợp khác cô đã nghe đến, chỗ cô ở vẫn có điện.

“Nơi tôi sống hoàn toàn ổn, trừ cái giá và mấy con rệp,” cô nói.

“Nhưng tôi biết còn rất nhiều chỗ khác thậm chí còn không (có) cả điện. Họ vẫn phải trả mỗi tuần 200 dô la, thật nực cười.”

“Chỗ ở thì quá nhỏ mà bạn phải trả quá nhiều. Công việc thì chẳng ra làm sao. Nếu bạn không giúp (người môi giới), bạn sẽ không tìm được công việc tốt hơn.”

Lỗ hổng về pháp luật “khiến khách du lịch dễ bị thao túng”

Cựu nhân viên hội đồng địa phương, Emily (không phải tên thật), người tư vấn cho khách du lịch ba lô ở Đông Nam Queensland, nói rằng “tình trạng đó rất tệ và tôi không thích những người trẻ bị bóc lột chút nào”.

Người lao động thời vụ phải được trả ít nhất 22,13 đô la/giờ đối với hái rau, quả, theo Harvest Trail khẳng định.

Làm việc với tốc độ trung bình, người làm khoán phải làm đủ mức lương 25,12 đô la/giờ, chiến dịch khẳng định.

“Tôi chủ yếu thấy những căn hộ quá đông đúc và mức lương rẻ mạt trong khi cái giá thuê nhà thì quá đắt; họ (khách du lịch) phải ở trong những chỗ đó để có được công việc với công ty,” bà nói.

“Ngoài ra, tôi đã từng đón một số người đến ở cùng khi họ bị đuổi ra ngoài vào lúc 10 giờ tối – chẳng có chỗ nào để đi cả.”

Bà nói khách du lịch phải ở trong những ngôi nhà với khoảng 15 người khác, khiến họ rất dễ bị “điều khiển”.

“Những trường hợp này rất khó giải quyết vì có những khoảng trống trong luật – người du lịch tự túc không được bảo vệ (dưới luật thuê nhà ở – Residential Tenancies Act),” bà nói.

“Không có chứng từ nào còn lại vì mọi thứ đều bằng tiền mặt và hóa đơn trả tiền nhà cũng không có.”

QFES: Lợi nhuận chủ yếu từ nhà ở

Chương trình Thăm dò hệ thống làm vườn (Harvest Trail Inquiry) của tổ chức Giám sát viên việc làm công bằng (The Fair Work Ombudsman – FWO) đã tìm hiểu “việc trả lương thấp trong thời gian dài và sự bỡ ngỡ giữa người trồng cây và nhà thầu lao động về nghĩa vụ nơi làm việc của họ”.

“Chương trình đã nghe đến những ví dụ về chỗ ở chất lượng kém mà lại đắt và việc trừ lương của công nhân vì chỗ ở và những khoản phí liên quan,” một người phát ngôn của FWO nói.

David Tucker, phụ trách bộ phận điều tra và tuân thủ luật của Trung tâm chữa cháy và dịch vụ khẩn cấp Queensland (QFES) nói ông đã “biết được có hiện tượng những nhà thầu có công việc cung cấp việc làm nông trại nhưng lại thu lợi nhuận chủ yếu từ cung cấp nơi ở.”

“Tôi đã từng chứng kiến khá nhiều lần các khách du lịch ba lô hoặc công nhân tạm thời phải nộp 150 đô la phí mỗi tuần, cộng thêm cả 50 đô phí giao thông,” ông nói.

“Về cơ bản, họ (chủ thuê) trực tiếp lấy lại 200 đô la từ người làm.”

Một người phát ngôn của National Farmers’ Federation (Liên đoàn Nông dân Quốc gia) nói: “Chúng tôi không thể bình luận gì về những trường hợp cụ thể vì không nắm hết tất cả các câu chuyện. Chúng tôi khuyến khích những người đang lo ngại về mức lương hoặc điều kiện của mình có thể liên lạc với Fair Work Ombudsman (giám sát viên việc làm công bằng).”