Dưới đây là trích trao đổi giữa PV với anh:

Giao thông thể hiện tâm tính

Dạo quanh Hà Nội và vùng phụ cận, anh phát hiện điều gì thú vị không?

Tôi muốn đề cập chuyện đi lại dù hiểu rằng nó được tranh luận nhiều và người ngoại quốc cũng hay bình phẩm. Giao thông có vẻ là tấm gương chân thực phản ánh tâm tính người Hà Nội. Nó còn là một trải nghiệm để xác định tương quan giữa Hà Nội trong tâm trí với hiện thực, nơi người ta tuân thủ luật theo cách đặc thù.

Một chuyến xe Việt - ảnh 1
“Tôi muốn đề cập chuyện đi lại dù hiểu rằng nó được tranh luận nhiều và người ngoại quốc cũng hay bình phẩm”. Se Gun Song

Chắc chắn lượng phương tiện vượt xa lượng cho phép. Đã thế mọi người không thể chờ thêm vài giây và không cảm thấy bị thúc tuân thủ luật. Hà Nội chạy liên tục. Tắc nghẽn cũng chạy. Lách bất cứ chỗ nào có thể. Hơi vắng chút là thành cao tốc. Chẳng khó để nhận ra rằng, trong cái gọi là sự hỗn loạn toàn diện, dường như cũng có các quy tắc nội tại để giảm thiểu cãi vã. Người ta ít để ý đến và hiếm khi phê bình sai phạm của người khác. Bản thân tôi chỉ còn cách liên tục thốt lên “Ối giời ơi”, cụm từ tiếng Việt của một kẻ lạc loài học mót sau sáu tháng trải nghiệm.

Một bạn Việt của tôi nói thanh niên ở đây luôn tuân thủ luật. Cậu ta có thể đúng với những người phắn rất nhanh khi gây lỗi và đấy có thể là cách để giảm ùn tắc chăng. Thật khó thấy các nét mặt thư giãn. Dường như luật và quy tắc còn xa vời.

Tôi nghĩ chính phủ biết song ưu tiên kinh tế hơn. Tôi đọc báo thấy năm 2001 ít ai tin toàn dân sẽ đội mũ bảo hiểm. Giờ thì đã thành hiện thực. Song quan trọng là ở thực chất. Đa số mũ bảo hiểm đội cho có và nhiều trẻ em không đội.

Anh có nghĩ ngày nào đó họ sẽ tìm cách ứng xử khác không?

Hy vọng ngày ấy sớm đến. Ngoài việc di chuyển từ A đến B – mục tiêu tối thượng mà hầu hết mọi người đang nhắm đến, hãy nghĩ đến viễn cảnh thưởng thức cảm giác thư giãn mà không phải căng dây đàn giữa rừng người mà không ai chịu nhường ai. Mặc dù cố gắng có thái độ tích cực khi tham gia giao thông, phải thú nhận rằng tôi cảm thấy buồn từng phút. Một phụ nữ trẻ vừa lái xe máy vừa chăm con đang ngủ. Với cảnh khá phổ biến ấy, sao không nghĩ cách chế tạo một kiểu xe máy hay xe đạp nào đó an toàn hơn cho họ.

Không ai trên xe khách phàn nàn

Về những tập quán khiến nơi đây trở thành duy nhất, điều gì khiến anh chú ý?

Có cái này lạ mà tôi không thấy ai phàn nàn. Chuyến dã ngoại Ninh Bình cuối tuần, trên đường về Hà Nội, tôi lên xe khách mini 15 chỗ. Đầu tiên, tôi tò mò hai chồng ghế nhựa. Hoá ra, sau khi các ghế chính đầy, nhà xe nhận thêm khách và bảo họ ngồi lên ghế nhựa. Chúng rải dọc lối đi và chẳng mấy chốc kín đặc. Tôi không thích kiểu này.

Nhà xe nhận thêm 6-7 khách nữa. Tôi khâu miệng và quan sát. Tất cả bị ép chặt và không ai cử động được nữa. Một nam và nữ thanh niên xa lạ giờ đây úp thìa vào nhau như tình nhân. Một phụ nữ bế con trên ghế nhựa cứ ngả nghiêng mỗi khi xe chuyển làn.

Ngạc nhiên là không có bất cứ phàn nàn nào. Hết thảy dường như dửng dưng với ngoại cảnh. Nhiều người rút điện thoại và bắt đầu bấm tanh tách trong tư thế nhào lộn không thể tin nổi. Không chịu được nữa, tôi gắng đứng lên và tuôn mấy từ tiếng Việt nghèo nàn: “Đấy là không tốt”. Anh phụ xe nhìn tôi đầy kinh ngạc. Một phút căng thẳng giữa tôi với tài xế và phụ xe. Bạn đồng hành Việt ra hiệu cho tôi dừng ngay. Ưu tiên nhất của họ có lẽ là về đích, về Hà Nội. Còn về đích như thế nào lại không quan tâm lắm.

Thôi cự nự, tôi lại bị lôi cuốn bởi cảnh tượng hành khách trò chuyện rôm rả với nhà xe và còn cười đùa với nhau. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục đây đích thị là một mô hình ứng xử mà lần đầu tiên mình có cơ hội chứng kiến.   

Chỉ là nhồi nhét thôi mà.

Không đơn giản vậy. Cuộc sống tốt hay dở chủ yếu phụ thuộc câu hỏi “thế nào” chứ không phải “đi đâu”, “làm gì”. Vậy mà cốt lõi của nhiều người có lẽ là về đích, về Hà Nội. Đích ấy đạt được ra sao lại bàng quan.

Có khía cạnh thú vị nào không?

Mặt nào đó có sự thấu hiểu và cảm thông nhau kỳ lạ khi chung cảnh ngộ.

Theo anh, vì sao số đông ở đây thường như thế?

Có thể nó là kết quả của cả một lịch sử chiến tranh dài lâu buộc người ta phải tựa vào nhau để cùng vượt gian khổ.

Thế cứ duy trì cách sống ấy thì sao?

Tốt thôi song chiến tranh và hoà bình khác nhau lắm. Sao không thử khuyến khích nêu ý kiến và phản hồi để tất cả an toàn hơn.

Theo Tiền Phong