Home Cộng Đồng Giao lưu với bác sĩ Nguyễn Quốc Nam: Người đưa Adelaide nước Úc sánh kịp với thế giới
Cộng Đồng

Giao lưu với bác sĩ Nguyễn Quốc Nam: Người đưa Adelaide nước Úc sánh kịp với thế giới

(www.Alouc.com) – Điều duy nhất tôi biết về người mình sắp được phỏng vấn là bản CV dài 15 trang với 2/3 là danh sách liệt kê những nghiên cứu khoa học về y khoa. Cũng không khó để hình dung về người này: Một vị Phó Giáo sư có tiếng trong ngành, đầu đã điểm hoa râm và luôn tay sửa cặp kính lão đang trễ xuống mũi

Thật bất ngờ! Người đón chúng tôi ngoài sảnh của Bệnh Viện Hoàng Gia Adelaide (RAH) là một thanh niên trong dáng vẻ trẻ trung, nhanh nhẹn và phong cách như một… tài tử điện ảnh.

Và trong căn phòng làm việc chỉ vỏn vẹn chừng 6-7 mét vuông là cuộc trò chuyện dường như không dứt về chuyện nghề của một nhà nghiên cứu y khoa kiêm bác sĩ cùng những trải lòng của một người con xa xứ với mong muốn kết nối cộng đồng hơn nữa bằng chính chuyên môn của mình.

Anh Nguyễn Quốc Nam, Phó Giáo sư Y học của Trường Đại Học Adelaide, Phó Giáo sư Lâm sàng Chuyên Khoa Tiêu hóa của RAH, cũng đã cho chúng tôi hiểu: Người có động lực sẽ là người thành công!

 Là người đam mê nhiều thứ

Lời đầu tiên, xin cảm ơn anh Nam đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi dù biết rằng lịch làm việc của anh rất bận. Là một trong số những người Việt thành danh trên đất Úc, anh có thể chia sẻ cho độc giả của chúng tôi biết một chút về những ngày anh bắt đầu cuộc sống ở xử sở kangaroo này được không?

Vâng, cũng giống như nhiều người Việt tị nạn, Nam, khi đó mới 13 tuổi, và gia đình đi qua Úc từ năm 1985. Sau khoảng 14 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đến đảo Bidong (Malaysia), và sau 18 tháng nữa thì chúng tôi cập bến ở Úc. Chúng tôi chọn Adelaide vì đã có 2 người cậu ở đây từ trước. Và chúng tôi ở Adelaide từ đó đến giờ!

Đối với tôi, bắt đầu cuộc sống mới ở Úc không có gì khó khăn cả, vì chúng tôi đã trải qua những tháng ngày sống chết trong cuộc hành trình dài trên biển. Sau 4 ngày đi, đoàn chúng tôi hết đồ ăn và nước uống, nên phải hứng nước mưa để uống. Và trong suốt 10 ngày sau đó chỉ là uống nước cầm hơi mà không có đồ ăn gì. Cũng may chúng tôi được tàu đánh cá của Thái Lan và Mã Lai giúp, nên mới sống tới bây giờ (Cười).

Tới Úc rồi, chúng tôi nhận ra đây là mảnh đất sẽ cho mình nhiều cơ hội, và chỉ có cách là cố gắng để vươn lên.

Qua đây, sau 3 tháng học Tiếng Anh, tôi vào lớp 9, rồi từ từ lên tới Đại học. Tôi nghĩ vì mình là người lúc nào cũng motivated (có động lực) nên con đường học hành của tôi khá thuận lợi. Sau khi học xong y khoa, tôi tiếp tục học thêm chuyên khoa, và làm nghiên cứu.

Tôi trở về Adelaide năm 2009 sau 2 năm đi tu nghiệp ở Mỹ và làm việc tại bệnh viện này từ đó tới nay.

Tại sao anh lại chọn con đường nghiên cứu và thực hành lâm sàng chuyên môn về ung thư tụỵ mà không phải nhiều loại ung thư khác vốn được biết tới nhiều hơn?

 Nếu nói về ý thích thì ban đầu tôi thích đi theo chuyên ngành mổ tim. Nhưng trong thời gian làm bác sỹ nội trú, tôi được tới làm việc ở một số khoa khác nhau, tôi thấy nếu làm về tim thì khá giới hạn với chỉ riêng bộ phận này, trong khi đường ruột có nhiều bộ phận, như ruột, gan, bao tử, v.v.v… Từ đó, tôi thích khám phá hơn về chuyên khoa này, và chính chuyên khoa này cũng giúp tôi mở mang ra nhiều điều thú vị. Trong 2 năm đi tu nghiệp, tôi có làm việc 1 năm tại Viện Nghiên cứu Garvan ở Sydney. Lúc đó, tôi bắt đọc thêm và nghiên cứu sâu về ung thư tụy. Sau đó, tôi lại chuyển sang đi sâu về nghiên cứu nội soi siêu âm và nhận ra đó là cách tốt nhất để mình tìm hiểu về tụy và lấy mẫu tụy. Các loại ung thư khác thì được nghiên cứu rất nhiều rồi, chỉ có ung thư tụy là chưa nhận được nhiều sự quan tâm của giới khoa học, nên tôi cho đó là cơ hội để mình đi sâu vào chuyên ngành này.

Thực tế cho thấy nếu ai bị ung thư tụy thì sự sống chỉ kéo dài được khoảng 6 tháng. Khi tôi trở về Adelaide, tôi đã lập ra chương trình tầm soát và theo dõi ung thư tụy, đặc biệt chú trọng tới những người mà trong gia đình có 2 người bị ung thư , vì khi đó nguy cơ bị ung thư của họ sẽ cao hơn. Trước đó, đã có các chương trình tương tự về ung thư bao tử hoặc ung thư đường ruột, nhưng với ung thư tụy thì đây là lần đầu tiên.

Nhưng đó chỉ là một phần chuyên môn của tôi thôi. Ngoài ra, tôi và các cộng sự khác cũng nghiên cứu về nhiều vấn đề khác trong hệ tiêu hóa, ví dụ tiêu hóa giúp cho người giảm cân, và tiêu hóa giúp người bị bệnh gan có thể hồi phục nhanh nhờ những đồ ăn có nhiều chất bổ, v.v.v. Một nhánh nữa trong chuyên môn của tôi là siêu âm nội soi (endoscopic ultrasound).

Như thế có thể hiểu trong lĩnh vực nghiên cứu, anh là người rất thích các thách thức, thích khám phá những điều mới mẻ. Thế còn trong công tác lâm sàng, anh tham gia với mức độ như thế nào?

 Vâng, đúng là tôi đam mê nhiều thứ. Tôi thấy cái gì mình cũng muốn học và nghiên cứu. Và một khi đã đam mê, chắc chắn mình sẽ làm được!

Ngoài ra, tôi là một bác sỹ. Trong lâm sàng, tôi làm việc với vị trí là một interventional gastroenterologist (bác sỹ can thiệp các vấn đề liên quan tới dạ dày-ruột, tiêu hóa). Các thủ thuật tôi thường hay tham gia làm gồm lấy sỏi từ ống dẫn mật, làm nong một số bộ phận do ung thư làm nghẽn, hay cắt bỏ ung thư giai đoạn đầu.

Tôi làm toàn thời gian tại bệnh viện này, nên 50% thời gian tôi dành cho lâm sàng và 50% làm nghiên cứu. Tôi thích cả 2 công việc đó. Nếu bảo tôi làm nghiên cứu hết thì sẽ rất tẻ nhạt. Và cả 2 công việc đó đều hỗ trợ nhau. Làm lâm sàng, tôi cũng có điều kiện trực tiếp giúp đỡ nhiều bệnh nhân hơn. Nhưng nhờ nghiên cứu, tôi lại ứng dụng được các tiến bộ khoa học vào thực hành luôn. Ví dụ, nếu có một bệnh nhân bị nghẽn ống dẫn mật, và họ rất đau đớn, có thể họ sẽ phải trải qua phẫu thuật hoặc phải đặt một ống qua bụng của mình, nhưng nhờ nghiên cứu các phương pháp tiến bộ, chúng tôi có thể làm các thủ thuật từ bên trong mà không gây đau đớn gì. Với phương pháp mới, chúng tôi có thể giúp cho bệnh nhân khỏi đau trong vòng một ngày.

BAC SI NGUYEN QUOC NAM 3

Người đưa Adelaide sánh kịp thế giới

Anh có nhắc tới siêu âm nội soi là một chuyên ngành hẹp của anh. Anh có thể nói rõ hơn về phương pháp này và ứng dụng của nó trong điều trị ung thư?

Siêu âm nội soi là một kỹ thuật rất phổ biến và hữu ích hiện nay, là sự kết hợp cả siêu âm và nội soi để chẩn đoán các khối u đường tiêu hóa.

Adelaide khá lạc hậu với công nghệ này, nhưng Mỹ và nhiều nước Châu Âu đã ứng dụng siêu âm nội soi cách đây 20 năm, tuy rằng sự phổ biến cũng chỉ bắt đầu được chừng hơn 10 năm.

Việc ứng dụng kỹ thuật này trong chẩn đoán và điều trị ưng thư tụy chính là đề tài nghiên cứu chuyên sâu của tôi trong 2 năm tu nghiệp ở Mỹ.

Dù trước tôi đã có một người đưa công nghệ này đến với Adelaide, nhưng kỹ thuật mà người này sử dụng không được tốt lắm, chỉ có thể thực hiện trên 40-50 bệnh nhân một năm. Khi về Adelaide, tôi đã đưa theo kỹ thuật mới hơn, và hiện giờ số lượng bệnh nhân được chẩn đoán bằng siêu âm nội soi đã lên tới 400 ca một năm, chỉ tính trong 3 bệnh viên công (RAH, Trung tâm Y tế Flinders và Bệnh viện Queen Elizabeth). Nếu tính thêm 2 bệnh viện tư sử dụng kỹ thuật này thì mỗi năm Adelaide có thêm 300-400 người được chuẩn đoán và điều trị nhanh hơn nhờ phương pháp mới.

Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong điều trị ung thư tụy – là loại ung thư rất khó lấy mẫu. Thay bằng mổ để tới được phần tụy như trước đây, nhờ dùng phương pháp này, chỉ cần lẫy mẫu bằng một chiếc kim, dễ hơn nhiều và lại không gây đau đớn gì cho người bệnh. Phương pháp dùng kim thì có lâu rồi nhưng trong nghiên cứu của mình, tôi dùng loại kim lớn hơn để lấy mẫu lớn để đi tới kết luận bệnh nhân có nên phẫu thuật hay không.

Theo tôi, phương pháp này tạo ra một ảnh hưởng khá lớn trong chữa trị ung thư tụy. Lợi ích thứ nhất là nó cho kết quả chẩn đoán chính xác hơn. Trước đây, nếu bác sĩ phát hiện có đốm ở trên tụy sẽ mổ, cắt ra, nhưng có tới 10-20% trường hợp  không mắc ung thư. Lúc đó bệnh nhân đã trải qua quá trình phẫu thuật đau đớn. Với kỹ thuật mới này, mình đã chẩn đoán chính xác đó là ung thư hay không, nên sẽ không có sự mổ nhầm đáng tiếc.

Thứ hai là chẩn đoán giai đoạn của ung thư cũng chính xác hơn. Với siêu âm nội soi có thể biết ung thư có dính tới thành của động mạch hay tĩnh mạch hay không. Nếu dính thì sẽ không mổ được. Có nghĩa, tỷ lệ cắt phần ung thư và gắn lại đã ít hơn từ khi dùng phương pháp này.

Thứ ba, nếu chỉ dựa vào hình ảnh và CT để mổ là không được. Bây giờ phải xác định tính chất của gen để biết khối u trong tình trạng thế nào, trước khi quyết định phương pháp chữa trị đúng hướng. Việc của tôi là tìm kiếm gen xấu. Bệnh nhân cần cẩn trọng nếu họ có gen xấu. Nếu họ không có gen xấu thì có thể chữa trị bằng phẫu thuật, hóa trị liệu hoặc xạ trị liệu.

Trước đây, nếu không mổ được, cơ hội sống của bệnh nhân chỉ kéo dài từ 6-9 tháng. Trong vòng 10 năm qua, xạ trị liệu tạo ra kết quả tốt hơn, giúp kéo dài sự sống lên 12 tháng. Gần đây, kỹ thuật này cùng với việc dùng phóng xạ kết hợp xạ trị, trong đó nhóm của tôi ở RAH là nhóm đầu tiên ở Úc thực hiện phương pháp này, thì triển vọng còn tiến xa hơn nữa, ít nhất là 15 tháng hoặc 2 năm. Chúng tôi bắt đầu thực hiện ở đây được 2 năm, trong khi ở Mỹ cũng mới đưa phương pháp này vào ứng dụng được 4 năm.

BAC SI NGUYEN QUOC NAM 1

Đã đến lúc hướng nhiều tới cộng đồng

Với cộng đồng người Việt ở Úc, anh đã có một nghiên cứu hay một công việc chuyên môn nào mà có mối liên hệ trực tiếp với họ chưa, ví dụ họ là đối tượng trong nghiên cứu của anh?

Tôi đã làm việc tại RAH được 7 năm, và bây giờ là lúc tôi nghĩ mình có cơ hội để trả ơn cộng đồng. Hiện tại tôi đang giữ vai trò hướng dẫn cho một số bác sỹ chuyên khoa người Việt của mình ở đây khi họ làm đề tài nghiên cứu. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một nhóm các bác sỹ đồng hương ngay trong bệnh viện này, vì sinh viên y khoa người Việt ở đây nhiều, và rất giỏi nữa.

Năm ngoái, ở Nam Úc đã lập ra Hội y tế Úc Việt tại Nam Úc (Australian-Vietnamese Health Professional Association, South Australia) trong đó tôi giữ vai trò là Phó Chủ tịch. Đáng tiếc là Hội này hoạt động chưa được hiệu quả lắm. Tôi hơi thất vọng vì chưa có nhiều người tham gia hội nên sự đóng góp cho cộng đồng từ Hội chưa được như mong muốn.

Nói về nghiên cứu riêng về các vấn đề y tế của người Việt, hiện tại tôi chưa có đề tài gì cụ thể. Nhưng tôi cũng đang nghĩ tới vấn đề này, và hy vọng trong tương lai sẽ làm được.

Để có các dự án nghiên cứu về cộng đồng mình thì trước hết chúng tôi cần hiểu các vấn đề chính mà người Việt hay mắc phải là gì. Có một số thông tin cho rằng ung thư gan khá phổ biến với người Việt. Tôi chưa có nghiên cứu nên không chắc chắn lắm về điều này, nhưng tôi đã lên ý tưởng cùng một bác sĩ khác, đang làm nghiên cứu sinh ở đây, cùng tìm hiểu sâu thêm về vấn đề này, hoặc các vấn đề khác, nếu có. Trước tiên, chúng tôi sẽ bắt đầu từ các buổi Tư vấn và Chia sẻ Thông tin với cộng đồng mà dự kiến sẽ được tổ chức thường xuyên trong thời gian tới. Sau đó, chúng tôi sẽ lập các dự án nhỏ để đi sâu về vấn đề mình định nghiên cứu.

Hãy cứ coi như năm nay là năm bắt đầu cho việc gây gũy, sau đó là tìm hiểu thông tin, và những năm sau sẽ là kêu gọi thêm tài trợ cho dự án liên quan trực tiếp tới cộng đồng người Việt của mình ở đây.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là hiểu được cộng đồng mình muốn gì, họ thiếu gì và cần hỗ trợ gì nhất. Ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên với cộng đồng tại Nam Úc, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh viêm gan và ung thư gan. Cho nên buổi Chia sẻ Thông tin sắp diễn ra sẽ tập trung về Ung thư gan, và Ung thư ruột, vì tôi cho đó là 2 vấn đề mà nhiều người Việt mình quan tâm.

Có một thực tế tôi biết là nhiều khi người Việt thường thiếu thông tin và hiểu biết về một vấn đề y tế nào đó. Ví dụ viêm gan và ung thư gan là có liên quan mật thiết với nhau. Hiện tại, khoa học đã có phương pháp điều trị cho người mắc bệnh Viêm gan C, trong đó hơn 90 phần trăm người bệnh có thể khỏi được. Cho nên, tôi và các cộng sự người Việt rất muốn giúp cộng đồng mình hiểu biết thêm về các loại bệnh này và cách phòng cũng như điều trị chúng.

BAC SI NGUYEN QUOC NAM 2

Anh có thể chia sẻ thêm về những việc đã làm được và sẽ làm sau sự kiện cộng đồng người Việt ở Nam Úc gây quỹ cho các nghiên cứu về ung thư được tổ chức vào Tháng 9 vừa qua?

Đây là lần đầu tiên Hội đồng hương người Việt ở Nam Úc tổ chức gây quỹ cho nghiên cứu y học mà tôi tham gia. Thật sự, đây là một việc làm rất đáng trân trọng, một ý tưởng tuyệt vời vì làm nghiên cứu cần phải dựa vào nguồn gây quỹ.

Đó cũng là cơ hội đầu tiên tôi bắt đầu mối liên hệ với cộng đồng.

Buổi hôm đó, quỹ đã gây được 42.000 đô Úc. Tôi rất biết ơn về điều này.

Các quyên góp từ thiện sẽ được bổ sung vào quỹ nghiên cứu của tôi. Qũy này sẽ giúp cho tất cả các dự án nghiên cứu. Hiện tại tôi có tham gia 3 dòng dự án lớn bao gồm 15 dự án chi tiết. Tôi cũng chưa biết sẽ sử dụng cụ thể như thế nào. Nhưng như tôi đã nói, việc tìm hiểu người Việt cần gì và thiếu gì là bước đầu quan trọng trước khi bắt tay vào nghiên cứu. Và số tiền quyên góp đó sẽ giúp cho cộng đồng một cách hiệu quả và ý nghĩa, như đúng mong muốn của tôi và những nhà hảo tâm.

Tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục được cộng đồng hỗ trợ cho việc nghiên cứu y khoa, vì mọi người cũng hiểu nghiên cứu là một việc làm rất tốn kém.

Nhân dịp năm cũ sắp qua đi, năm mới đang đến, anh có lời gì muốn nhắn nhủ, chia sẻ cùng độc giả của chúng tôi cũng như bà con đồng hương người Việt ở Úc không?

 Tôi xin chúc tất cả mọi người một năm mới thật vui vẻ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, và hy vọng cộng đồng mình sẽ gắn bó hơn. Và tôi cũng hy vọng, với chuyên môn y khoa của mình, tôi sẽ giúp được cộng đồng được nhiều hơn để mọi người giữ gìn sức khỏe tốt hơn!