Home Cộng Đồng Đường lên đỉnh Olympia hay đường “Đi tìm nhân tài cho nước Úc”?
Cộng Đồng

Đường lên đỉnh Olympia hay đường “Đi tìm nhân tài cho nước Úc”?

(www.Alouc.com) – “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, một quốc gia khó có thể phát triển mạnh mẽ khi mà những nhân tài vẫn cứ tiếp tục đi và… không trở về.

Những ngày qua, thông tin về “Cậu bé GooglePhan Đăng Nhật Minh đến từ Quảng Trị xuất sắc giành quán quân tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 17 tràn ngập trên các trang mạng. Trên các Fanpage miền Trung và Quảng Trị nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục. Người dân Quảng Trị không khỏi tự hào bởi vùng đất lâu nay được biết đến là tỉnh nghèo nhưng cũng nổi tiếng bởi tinh thần hiếu học.

Việc Phan Đăng Nhật Minh giành được quán quân Olympia 17 không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Tài năng của Nhật Minh sớm được nhiều người biết đến từ cuộc thi Chinh Phục 2014 và được khẳng định ở sân chơi Olympia 2017 khi cậu dễ dàng vượt qua các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực. Biệt danh “Cậu bé Google” cũng được nhiều người mến mộ đặt cho em từ đó.

Từ nhỏ đã bộc lộ tố chất “thần đồng”, 6 tháng tuổi nhận biết được các con số. 18 tháng tuổi đọc chuẩn chữ trên tivi, đọc được truyện cổ tích. Ở lứa tuổi mầm non đã giải toán như một chiếc máy. Học xong chương trình lớp 11 từ năm lớp 9. Đặc biệt cậu không cần đi học thêm mà chỉ tìm tòi, tự học qua sách vở và Internet. Tư duy và suy luận vượt trội, phá vỡ nhiều kỷ lục tại cuộc thi trí tuệ mà nhiều học sinh mơ ước,.. Nhật Minh thực sự là một nhân tài và là “của hiếm” của nước nhà.

Thành tích của Nhật Minh tại Olympia 17 khiến nhiều người trong đó có các bạn cùng thi phải nể phục. Việc “Cậu bé Google” xuất sắc giành vòng nguyệt quế đã mang đến niềm vui cho nhiều người, gieo lên niềm hy vọng về một nhân tài của đất nước sau này. Thế nhưng bên cạnh niềm vui, cũng có những nỗi băn khoăn khi nhìn sang câu chuyện từ những gương mặt xuất sắc ở sân chơi này trước đây.

Đường lên đỉnh Olympia hay đường chinh phục sang… Australia? - ảnh 1

Phan Đăng Nhật Minh xuất sắc giành quán quân tại Olympia 17. Ảnh: FB Đường lên đỉnh Olympia

“Đi tìm nhân tài cho nước Úc”, “Chinh phục đường sang Úc”,.. đó là cách nhận xét “hài hước” nhưng cũng đầy trăn trở của nhiều người khi nói về cuộc thi này. Ở đây phải khẳng định, họ không hề phủ nhận những giá trị về mặt nhân văn, trí tuệ mà cuộc thi mang lại. Nhưng nhìn vào thực tế, những ý kiến đó hoàn toàn có nguyên do của nó.

Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay chúng ta có 17 nhà vô địch Olympia. Không kể đến 3 trường hợp là nhà vô địch mới Phan Đăng Nhật Minh, quán quân 2015 Văn Viết Đức đang là sinh viên trường ĐH Swinburne, quán quân 2016 Hồ Đắc Thanh Chương đang chuẩn bị du học thì 13/14 nhà vô địch sau khi giành suất học bổng sang Australia đến nay vẫn chưa trở về.

Nhiều người trong số đó hiện đã có công việc ổn định ở nước ngoài, một số vẫn đang phân vân giữa việc ở lại và trở về để tiếp tục học cao hơn. Những thống kê kể trên là nguyên do cho những hoài nghi của mọi người. Nó đã đặt ra một câu hỏi lớn, nhưng có lẽ hỏi chỉ để hỏi bởi “khó” có câu trả lời.

Cũng như những nhà vô địch khác, Nhật Minh được đại diện ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia trao học bổng toàn phần trị giá 35.000 USD trong lễ đăng quang của mình. Và như thường lệ khi mỗi kỳ Olympia kết thúc, nhiều người không khỏi băn khoăn về tương lai của nhà vô địch mới. Liệu em có đi theo con đường mà những người đi trước đã chọn?

Ngay sau khi cuộc thi Olympia 17 kết thúc, chia sẻ với báo chí, người thân của Nhật Minh cho biết gia đình dự định sẽ cho em đi du học theo gói học bổng toàn phần của chương trình. Minh sẽ học thiên về nghiên cứu vì đó là ước mơ từ lâu của em. Còn đối với Nhật Minh, nói về việc đi du học em cho hay… điều đó hãy để tương lai trả lời.

Để một thần đồng trở thành nhân tài, cần phải có một môi trường giáo dục tốt nhằm phát triển hết mọi tố chất. Công bằng mà nói, các nhà vô địch có quyền lựa chọn cho mình một môi trường học tập tốt hơn để hoàn thiện bản thân. Thế nhưng du học để trau dồi kiến thức là một chuyện, du học rồi có thể quay trở về cống hiến cho quê hương hay không có lẽ lại là một chuyện khác.

Đường lên đỉnh Olympia hay đường chinh phục sang… Australia? - ảnh 2 

Ảnh minh họa

Thực ra không chỉ có các “nhà leo núi Olympia”, nhiều người có tài năng sau khi du học đều mong muốn ở lại nếu thực hiện được. Nhìn nhận một cách khách quan, dù làm việc ở trong hay ngoài nước, các nhân tài vẫn đóng góp trí lực cho quốc gia. Việc phần đông du học sinh có cùng quan điểm làm việc và nghiên cứu tại nước ngoài sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước cũng không phải là vô lý.

Trước áp lực của dư luận, nhiều nhà vô địch đã từng phải lên tiếng giải thích. Cụ thể các bạn cho rằng chọn con đường nào thì cũng có thể cống hiến cho đất nước. Dù ở đâu thì những đóng góp của họ cũng trở thành tri thức cho nhân loại. Trong tiến trình hội nhập hiện nay, việc tri thức lan tỏa rộng khắp không chỉ riêng một quốc gia nào như một xu thế tất yếu.

Nói đến đây cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, dù có tiếc nuối nhưng chúng ta cũng không thể trách các nhà vô địch. Khát vọng cống hiến và khả năng của họ là có thừa nhưng khi thực tế “nơi trở về” vẫn chưa phải là bệ phóng xứng tầm và còn quá nhiều điều phải đối mặt. Khi cơ chế “dụng nhân” vẫn còn mang tính khẩu hiệu hơn là thực tế thì có lẽ không mấy ai dám mạo hiểm “đánh cược” tương lai mình giữa hai sự lựa chọn “ở hay về?”.

Làm việc ở trong nước hay ngoài nước cũng là cống hiến tri thức cho nhân loại. Suy nghĩ này hoàn toàn không sai nhưng có lẽ đây chỉ là câu trả lời tạm làm yên lòng trước những thắc mắc, những lời trách móc của quá nhiều người. Đằng sau đó còn có hàng tá lý do mà ngay những người trong cuộc cũng cảm thấy “lực bất tòng tâm”.

Thiết nghĩ, thật tai hại nếu suy nghĩ này nghiễm nhiên trở thành điều mặc định trong tư tưởng nhiều người bởi đó vô hình sẽ là một bước lùi đáng tiếc trong việc trọng dụng nhân tài của đất nước. Bước lùi đó cần phải có sự can thiệp kịp thời của của những người làm công tác quản lý.

Trên còn đường phát triển, một đất nước sẽ không thể nào “vươn mình” nếu không biết trọng dụng người tài và cứ để chất xám cứ dần chảy máu. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, một quốc gia khó có thể phát triển mạnh mẽ khi mà những nhân tài vẫn cứ tiếp tục đi và… không trở về.

Theo Thế Trung – Tổ Quốc