Home Cộng Đồng Đối với Facebook, luật quốc tế thua lệ Trung Quốc
Cộng Đồng

Đối với Facebook, luật quốc tế thua lệ Trung Quốc

Facebook và các ông lớn công nghệ sẵn sàng làm mọi thứ chính phủ Trung Quốc yêu cầu nhưng luôn tìm cách tránh né luật lệ ở Mỹ và phương Tây. Đó là một thực tế đáng lo ngại.

Doi voi Facebook, luat quoc te thua le Trung Quoc hinh anh 2

Doi voi Facebook, luat quoc te thua le Trung Quoc hinh anh 3

Tiến sĩ Sarah Logan

Tiến sĩ Sarah Logan là chuyên gia về an ninh mạng thuộc Đại học New South Wales. Lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm chống khủng bố trên không gian mạng, an ninh mạng và tác động của Internet đối với chính trị quốc tế. Bà lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) với luận án so sánh các chính sách chống chủ nghĩa cực đoan tại Anh và Mỹ. Trước khi trở thành học giả, bà làm việc tại Văn phòng Đánh giá Quốc gia Australia.

Năm 2014, để đối phó với vụ bê bối Edward Snowden và làn sóng giận dữ trước việc chính phủ Mỹ nghe lén người dân, Apple và Google đã thông báo họ sẽ cho mã hóa dữ liệu trên thiết bị của khách hàng và ngó lơ các quan ngại từ chính phủ Mỹ.

Tuần qua, Facebook tự gọi mình là “nhà xuất bản” (publisher) tại một phiên tòa ở Mỹ. Nhưng trước công chúng, họ vẫn kiên quyết không công nhận vai trò này, bởi trở thành một “bên xuất bản” tức là họ sẽ phải chịu ràng buộc bởi những luật lệ không mong muốn từ chính quyền.

Trong một thời gian dài, mỗi khi được hỏi về tác động của mình đối với ngành công nghiệp tin tức, Facebook luôn khăng khăng với công chúng rằng họ là một nền tảng công nghệ, không phải một nhà xuất bản hay một công ty truyền thông, theo Guardian.

Chúng ta chẳng lạ gì sự nhập nhằng này của Facebook.

‘BIẾN HÌNH’ KHI CẦN ĐỂ NÉ LUẬT

Trong thời điểm vụ bê bối Cambridge Analytica nổ ra, nó cho phép họ “biến hình” khi cần để né tránh mạng lưới luật lệ ngày càng dày đặc trên toàn cầu. Thực tế là trong năm 2018, báo chí đã đưa tin Facebook cho tăng gấp đôi chi phí vận động hành lang tại châu Âu để ngăn chặn các luật lệ kiểm soát mạng xã hội này được thông qua.

Đó là Mỹ, còn tại Trung Quốc, câu chuyện về né tránh, nhấn chìm hoặc phớt lờ luật lệ sở tại của các “đại gia” công nghệ diễn ra theo một kịch bản khác hẳn.

Tuần qua, người sử dụng Facebook ở Việt Nam phát hiện trong phần chọn phạm vi quảng cáo mục tiêu, Facebook đã đánh dấu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ này đi ngược lại lãnh thổ hàng hải được công nhận và ngay lập tức kéo theo sự phản đối từ phía Việt Nam.

Facebook gọi sai sót này là một lỗi kỹ thuật thuần túy, lời giải thích khó xuôi từ một gã khổng lồ công nghệ cao. Và kể cả nếu lần này đúng là “lỗi đánh máy”, thì đây cũng không phải trường hợp đầu tiên các công ty công nghệ công nhận các tuyên bố lãnh thổ theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Năm 2016, Wall Street Journal đưa tin rằng Google Maps truy cập từ lãnh thổ Trung Quốc gọi tên những khu vực tranh chấp theo tuyên bố chủ quyền của nước này. Cũng phải nói thêm rằng trong trường hợp Biển Đông, luật lệ không được quyết định bởi riêng một quốc gia, mà cần theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Nhưng đối với các tranh chấp như vậy, Google luôn lập luận rằng họ hành xử theo luật của từng quốc gia sở tại, và Facebook có lẽ cũng sẽ áp dụng tiêu chí tương tự nếu bị gây áp lực.

TRUNG QUỐC VÀ ‘PHẦN CÒN LẠI CỦA THẾ GIỚI’

Câu chuyện trên cho thấy giới công nghệ toàn cầu không phải lúc nào cũng tuân thủ các luật lệ chung, đặc biệt đối với những công ty muốn (tái) gia nhập thị trường Trung Quốc.

Facebook từ lâu không giấu giếm tham vọng của họ đối với Trung Quốc: Đâu phải tự dưng mà Mark Zuckerberg ra Thiên An Môn để chạy bộ và không mang cả khẩu trang. Cho đến tận lúc này, Trung Quốc vẫn là thị trường quảng cáo lớn thứ hai đối với Facebook. (10% doanh thu toàn cầu của Facebook, tức khoảng 5 tỷ USD, đến từ Trung Quốc – theo Ad Age).

Tương tự, nếu không có động cơ lợi ích, Tim Cook của Apple cũng sẽ không rảnh rỗi dành thời gian đến Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị Internet Thế giới, hay cố gắng, dù bất thành, ngăn cản việc ứng dụng VPN bị gỡ khỏi kho ứng dụng tại đất nước này. Khi gặp rào cản về luật sở tại, Cook – cũng không khác gì Google – sẵn sàng ca ngợi sự cần thiết của việc “tuân thủ luật lệ và quy định địa phương”.

Kết quả hình ảnh cho facebook blocked in china

Dù từng từ chối hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để mở khóa iPhone và tiếp cận dữ liệu của một nghi phạm khủng bố đã giết 49 người, nhưng Cook từng phát biểu: “Với tư duy của một người Mỹ, tôi tin tưởng mạnh mẽ vào các quyền tự do. Chúng là những giá trị cốt lõi làm nên một người Mỹ, tôi không nghi ngờ gì chuyện đó cả. Nhưng tôi cũng biết rằng mỗi quốc gia trên thế giới quyết định luật lệ và quy định của họ”.

Trong khi đó, Google cũng đang tiến xa hơn vào thị trường Trung Quốc. Hãng này đã mở một văn phòng dịch vụ cho các nhân viên ở Thâm Quyến và tham gia vào hàng loạt phi vụ làm ăn với các doanh nghiệp địa phương.

Thái độ bất nhất của các công ty công nghệ trước luật lệ giữa hai loại thị trường, Trung Quốc và “phần còn lại của thế giới”, cho thấy họ không coi các luật bình đẳng với nhau. Họ sẵn sàng tuân thủ luật lệ sở tại ở quốc gia này, nhưng lại đấu tranh chống lại luật ở một số nước khác.

GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU

Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong thời điểm chúng ta đang dần trôi khỏi “kỷ nguyên Tự do Internet” của thời cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Clinton từng đưa ra chương trình hướng đến một tầm nhìn thống nhất trên phạm vi toàn cầu, và thiết lập một khuôn khổ trật tự toàn cầu trên không gian mạng.

Vào thời điểm đó, các “luật địa phương” tỏ ra không đủ tốt và Mỹ thậm chí đã vận động cho những quyền và giá trị mình tin tưởng bằng các chương trình nghị sự đối đầu trực tiếp với “luật địa phương”. Các quyền này sẽ mở đường cho những công ty công nghệ Mỹ xâm nhập các thị trường mới, quảng bá cho quyền lực mềm của Mỹ gắn liền với chương trình nghị sự về tự do Internet. Vào thời điểm đó, các “luật địa phương” có vẻ chẳng có nghĩa lý gì.

Nhưng nay gió đã xoay chiều. Vậy rốt cục điều gì đã thay đổi? Những chiến binh bảo vệ tự do Internet giờ đâu rồi? Họ giờ đây thèm khát miếng bánh Trung Quốc, một thị trường nếu thâm nhập được sẽ làm hài lòng các cổ đông của họ. Thế là cuộc chiến chống lại các luật lệ năm xưa, cuộc chiến bên ngoài biên giới Trung Quốc mà họ từng hăm hở lao vào, giờ đổi hướng, chỉ còn lại sự nhượng bộ về nguyên tắc. Dù người ta vẫn khao khát về kỷ nguyên tự do Internet, nhưng những ngày đó không còn nữa.

Nhưng nếu thái độ bất nhất này giúp các công ty công nghệ phình to túi tiền, thì với chúng ta, phần còn lại của thế giới, nó đem lại những gì?

Trước hết, có lẽ chúng ta thấy mình hơi bực bội khi chứng kiến cảnh những công ty từng chiến đấu ngoan cường để chống lại những luật lệ xâm phạm quyền riêng tư tại Mỹ và châu Âu, nay dễ dàng vứt bỏ tất cả để chạy theo lợi nhuận trong một thị trường mà các quyền riêng tư trên không gian mạng hầu như không tồn tại.

Zuckerberg đã lỡ hạn cuối của việc phải xuất hiện trước Quốc hội Mỹ để điều trần về hợp đồng của Facebook với Huawei, công ty có thiết bị và dịch vụ vừa bị cấm sử dụng trong quân ngũ Mỹ. Tuy nhiên, Facebook cũng chẳng quan tâm.

Chính phủ Mỹ có quá ít ý chí chính trị lẫn năng lực để giải quyết vấn đề này. Thực trạng Facebook sẵn sàng làm mọi thứ chính phủ Trung Quốc yêu cầu nhưng đến chút luật lệ của phương Tây cũng tránh né thật khó nuốt trôi.

‘LUẬT ĐỊA PHƯƠNG’ VÀ TRANH CHẤP LÃNH THỔ

Có lẽ quan trọng hơn là câu hỏi sự bất nhất này sẽ dẫn chúng ta đến đâu khi các công ty tuân thủ luật lệ địa phương với những vấn đề toàn cầu?

Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, “luật địa phương” của Trung Quốc vi phạm trực tiếp kết quả phán quyết chính thức của phiên tòa quốc tế phân định những vùng biển nóng đang bị quân sự hóa.

Khi những công ty công nghệ đổi tên và chủ sở hữu của các vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp và quân sự hóa gắt gao, đó không đơn giản là hành vi “tuân thủ luật lệ địa phương”. Nó còn kéo theo nguy cơ những gã khổng lồ ấy với sức ảnh hưởng của mình đang can thiệp vào các xung đột quốc tế, bằng cách tự biến mình thành một hệ quy chiếu cho đất nước đông dân nhất thế giới về một vấn đề phức tạp và còn rất lâu mới có thể giải quyết rốt ráo; chưa kể đây còn là nơi những quan điểm khác biệt hay nguồn thông tin trái chiều đang không tồn lại.

Trong khi đó, trong luật an ninh mạng mới của Trung Quốc, phần quy định các công ty nước ngoài kinh doanh ở đây lại chung chung và thiếu rõ ràng đến mức đáng ngại. Ví dụ như điều 9 yêu cầu các công ty phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội và đạo đức kinh doanh, trung thực và khả tín, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh mạng, chấp hành sự giám sát của chính phủ và công chúng, và chịu trách nhiệm xã hội.

Điều khoản này có thể hiểu là luật yêu cầu các công ty ngoại quốc phải dùng tên gọi các vùng tranh chấp theo lập trường chủ quyền của Bắc Kinh, kể cả ở bên ngoài Trung Quốc. Thực tế đã có tiền lệ các hãng hàng không và khách sạn gần đây bị khiển trách khi không để tên “như quy định” bên ngoài lãnh thổ nước này. Kết quả là các công ty lớn của phương Tây đó đã nhượng bộ trước những yêu cầu đánh dấu chủ quyền của Trung Quốc.

Kết quả hình ảnh cho facebook blocked in china

VAI TRÒ VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA MỸ CÒN KHÔNG?

Tiếng Anh có câu, không phải cứ lớn là tốt. Nhưng ở đây, kích cỡ hóa ra lại quan trọng. Việt Nam, với vị thế một thị trường lớn đang tăng trưởng, trong tương lai cũng có thể đủ sức phản đối lại cách gọi tên vùng lãnh thổ tranh chấp của các ông lớn công nghệ, như họ đã làm với Facebook gần đây.

Nhưng chúng ta cũng có thể thấy trước kịch bản các công ty nếu bị phát hiện dùng sai tên, họ sẽ lại bào chữa là “nhầm lẫn” hoặc “sai sót kỹ thuật”, và đi sửa lại thông qua một giải pháp kỹ thuật, thay vì tránh đặt tên các lãnh thổ tranh chấp theo yêu cầu của Trung Quốc ngay từ đầu.

Đối với các công ty Mỹ, Việt Nam không phải là một miếng bánh ngon khó nhằn như Trung Quốc. Tại đây, Google và Facebook đã chiếm sẵn thế thống trị và chỉ việc ngồi đó hưởng lợi từ sự tăng trưởng người dùng. Còn tại Trung Quốc, mọi chuyện không được thuận lợi như vậy, ở hiện tại và cả trong tương lai. Thị phần và vị thế của các “ông lớn” công nghệ Mỹ ở đây vẫn còn cần được bảo vệ và tích cực mở rộng.

Trong bối cảnh các toan tính lợi nhuận đang chi phối quyết định gọi tên lãnh thổ, nếu xảy ra tranh chấp về cách gọi tên, khả năng cao là quan điểm của Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong, nhất là nếu nước này dùng con bài lợi thế thị trường, và ép sử dụng tên theo Trung Quốc cả cho những hoạt động kinh doanh bên ngoài phạm vi nước này.

Bằng chứng có thể thấy ở những gì họ đã làm với lĩnh vực hàng không và khách sạn gần đây. Nếu Việt Nam lên tiếng phản đối, Facebook sẽ quan tâm, nhưng có lẽ mối quan tâm không đủ lớn để họ thay đổi kế hoạch bá quyền. Đơn giản là họ sẽ tìm một giải pháp kỹ thuật để người dùng Việt Nam không thấy được nội dung bị phản đối.

Nếu tương lai theo kịch bản này, vấn đề sẽ nhân đôi. Thứ nhất, liệu Mỹ có quan tâm chuyện này không? Liệu có còn hy vọng nào cho một chương trình chính sách toàn cầu về không gian mạng không?

Thứ hai, có lẽ bi kịch hơn, nước Mỹ liệu có chút ảnh hưởng thật sự nào lên những công ty công nghệ mà họ từng dung dưỡng trong sự tự hào? Không như Trung Quốc, Mỹ không thể trừng phạt bằng cách tùy tiện ngắt đường tiếp cận giữa người dùng và các sản phẩm công nghệ của các công ty này. Họ cũng không thể đá văng các công ty công nghệ đó khỏi nước mình như Trung Quốc.

Nếu Mỹ đã không thể buộc các công ty như Facebook chấp nhận chịu điều chỉnh theo luật như một “bên xuất bản”, họ cũng sẽ không bao giờ có thể khiến các công ty công nghệ hành xử cho phù hợp với lợi ích của nước Mỹ trong những vấn đề toàn cầu quan trọng như Biển Đông và các căng thẳng kèm theo đó.

Ai nói “kích cỡ không quan trọng”? “Kích cỡ” thị trường có quan trọng chứ. Giờ đây, nó lại là yếu tố quan trọng nhất.

Theo Zing