Home Cộng Đồng Cuộc sống sau hành trình đào tẩu 4.000 km của một gia đình Triều Tiên
Cộng Đồng

Cuộc sống sau hành trình đào tẩu 4.000 km của một gia đình Triều Tiên

(www.Alouc.com) – Những người Triều Tiên đào tẩu khỏi quê nhà bước sang chương mới của cuộc đời khi bắt tay gây dựng cuộc sống ở Hàn Quốc.

Hầu hết người đào tẩu khỏi Triều Tiên đều chọn hành trình trốn chạy dài 4.300 km bằng đường bộ qua Trung Quốc, rồi tới Lào, sau đó vượt biên vào Thái Lan. Tại đây, sau khi bị chính quyền sở tại phạt hành chính vì tội nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ được gửi cho đại sứ quán Hàn Quốc ở Bangkok. Tiếp theo đó, quy trình chuyển họ tới Seoul được kích hoạt. Khi đặt chân tới Hàn Quốc, những người tị nạn Triều Tiên sẽ bắt đầu cuộc sống mới, Washington Post đưa tin. 

Trong đoàn người đào tẩu khỏi quê hương vào tháng 8 năm ngoái có một người đàn ông làm nghề đánh cá cùng vợ và hai con nhỏ. Thu nhập từ nghề tay phải là đánh cá cộng với nghề tay trái chuyển tiền qua biên giới Trung Quốc và Triều Tiên giúp người đàn ông này kiếm đủ tiền nuôi gia đình. Tuy nhiên, hàng ngày chèo thuyền qua lại Trung Quốc, nhìn thấy cuộc sống sung túc của người dân ở nước láng giềng và nghe thông tin trên đài phát thanh Hàn Quốc, người đàn ông này quyết định đưa cả nhà đào thoát khỏi Triều Tiên với khao khát rằng cậu con trai 15 tuổi và cô con gái 8 tuổi sẽ được hưởng nền giáo dục tốt hơn. 

“Chúng tôi đủ ăn nhưng rất lo lắng về việc học hành của các con. Giáo viên thường xuyên bỏ lớp, cơ sở vật chất của nhà trường thì nghèo nàn. Cứ như thế con cái chúng tôi làm sao có thể có cuộc sống tốt hơn bố mẹ chúng nó cơ chứ?”, người đàn ông bày tỏ nỗi lòng và yêu cầu giấu danh tính vì sự an toàn của họ hàng ở quê nhà.

Chương mới của cuộc đời

Vợ người đánh cá và cô con gái 8 tuổi đứng làm bếp tại căn hộ hai buồng ngủ ven đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Washington Post.

Vợ người đánh cá và cô con gái 8 tuổi đứng làm bếp tại căn hộ hai buồng ngủ ven đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Washington Post.

Sau quãng đường dài hàng nghìn cây số ngồi trên xe khách, đi bằng xe máy, cuốc bộ băng rừng và ngồi trên thuyền, những người đào tẩu Triều Tiên trình diện tại đồn cảnh sát địa phương ở biên giới phía bắc Thái Lan. Sau đó vài ngày, họ được chuyển đến trung tâm giam giữ những người nhập cư bất hợp pháp ở thủ đô Bangkok. Chỉ mất thêm vài tuần nữa, những người đào tẩu Triều Tiên bước sang chương mới của cuộc đời.

Cầm trên tay cuốn hộ chiếu đầu tiên bước lên chuyến bay đầu tiên, những người đào tẩu bay thẳng từ Thái Lan đến Hàn Quốc. Khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon ở ngoại ô thủ đô Seoul, như bao người Triều Tiên đào tẩu khác, cả gia đình người đàn ông đánh cá được đưa thẳng đến một trung tâm thu thập thông tin của cơ quan tình báo Hàn Quốc để thẩm vấn. Mục đích của cuộc thẩm vấn này là nhằm loại trừ gián điệp do Bình Nhưỡng cài cắm và những người gốc Triều Tiên sống lâu năm ở Trung Quốc tìm cách hưởng chế độ tị nạn và hỗ trợ tài chính của chính phủ Hàn. 

Theo thống kê, kể từ những năm 1990, hơn 30.000 người Triều Tiên đã trốn chạy sang Hàn Quốc. Sau khi đặt chân đến thủ đô Seoul và vượt qua 70 ngày trả lời các câu hỏi như “Anh/chị làm nghề gì ở Triều Tiên?” hay “Tại sao muốn đến Hàn Quốc?”, những người tị nạn Triều Tiên nghiễm nhiên được công nhận là công dân Hàn Quốc.

Trong quãng thời gian chờ đợi xác minh nhân thân, khi không bị thẩm vấn, những người đào tẩu Triều Tiên “vùi đầu” vào xem TV với hàng chục kênh truyền hình đa dạng về nội dung từ thời sự, giải trí cho đến phim ảnh. Đây cũng là trải nghiệm hoàn toàn mới với họ sau nhiều năm chỉ được xem thông tin tuyên truyền của cơ quan thông tấn nhà nước.

Hoàn tất bước xác minh lý lịch, họ được chuyển tới Hanawon, trung tâm tái định cư do Bộ Thống nhất Hàn Quốc điều hành nhằm giúp những người đào tẩu nhanh chóng hòa nhập vào nhịp sống công nghiệp ở miền Nam. Tại đây, họ lần đầu tiên biết về Internet và học cách sử dụng điện thoại di động, tìm hiểu cách mở tài khoản ngân hàng và làm sao để gửi tiền hoặc rút tiền. Họ cũng được cung cấp thông tin về các cơ hội nghề nghiệp, về luật pháp Hàn Quốc và những khái niệm xa lạ như bình đẳng giới.

Khóa đào tạo tại trung tâm tái định cư kết thúc vào tháng hai, tức khoảng 6 tháng kể từ ngày đào thoát thành công đến Thái Lan. Những người đào tẩu Triều Tiên được xếp chỗ ở trong các căn hộ chung cư nhỏ, hai phòng ngủ, nằm ven đô Seoul. Họ đã sẵn sàng cho cuộc sống mới với danh tính mới- những công dân Hàn Quốc.

Cuộc sống mới không dễ dàng

Cậu bé 15 tuổi, con trai người đánh cá, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới ở Seoul. Như mọi thiếu niên Hàn Quốc khác, cậu bé mặc quần jeans, áo nỉ và dùng điện thoại thông minh lên mạng. Ảnh: Washington Post.

Cậu bé 15 tuổi, con trai người đánh cá, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới ở Seoul. Như mọi thiếu niên Hàn Quốc khác, cậu bé mặc quần jeans, áo nỉ và dùng điện thoại thông minh lên mạng. Ảnh: Washington Post.

Thời gian đầu khi chuyển từ trung tâm Hanawon về căn hộ, gia đình người đàn ông đánh cá thực sự vật lộn với mọi sinh hoạt hàng ngày, đơn giản như học cách sử dụng chiếc khóa cửa điện tử.

“Người ta nói Triều Tiên là đất nước xã hội chủ nghĩa còn Hàn Quốc theo tư bản chủ nghĩa. Nhưng tôi chẳng thấy tư bản gì ở đây cả”, người đánh cá nói và nhìn quanh căn hộ trống trơn, không đồ đạc trừ chiếc TV gá tạm trên một tấm ván. 

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc trợ cấp cho mỗi gia đình đào tẩu gồm 4 người khoản tiền 7.000 USD để ổn định cuộc sống, và trong ba quý tiếp theo, mỗi quý họ nhận được 4.300 USD cộng với 2.000 USD hỗ trợ nhà ở trong năm đầu tiên.

Dù được hỗ trợ tài chính, cuộc sống mới ở Hàn Quốc không hề dễ dàng do phải làm quen với nhiều điều mới. Với ông bố, đó là những bài học lái xe đầu tiên; với bà mẹ, đó là học cách sử dụng chiếc máy giặt đầu tiên và với hai đứa con, đó là những ngày đi học đầu tiên. 

Đến khoảng tháng 8, khi phóng viên Washington Post quay trở lại thăm gia đình. Cuộc sống đã ổn định hơn. Căn hộ không còn trống hoắc nữa, đã có thêm một chiếc tủ đựng quần áo và một chiếc máy tính để bàn. 

“Cháu muốn học tất cả mọi thứ về máy tính”, cậu con trai 15 tuổi tâm sự. Mới chỉ một năm trước, cậu vẫn còn ở Triều Tiên. Giờ đây, ngồi ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, cậu có thể lên mạng Internet và tìm kiếm những hình ảnh về quê nhà chụp từ vệ tinh. “Cháu nhớ ông bà và bạn bè”, cậu thiếu niên nói. 

“Mọi người ở đây rất tốt bụng. Khi chúng tôi đến các cơ quan công quyền ở Triều Tiên, người ta thường sẵng giọng hỏi: ‘Anh muốn gì?’ còn ở đây họ lịch sự hỏi: ‘Tôi có thể giúp gì cho anh?'”, người đàn ông đánh cá vừa nói vừa chỉnh cặp kính mới mua. “Và tôi không lo gặp rắc rối khi nói điều gì đó. Ví dụ, ở đây tôi có thể phàn nàn về tổng thống mà không sợ bị bắt”. 

Tuy nhiên, cuộc sống mới không chỉ toàn màu hồng. Họ nhanh chóng đối mặt với nỗi lo tiền bạc và gánh nặng tài chính khi sống trong một xã hội tiêu dùng đắt đỏ như Hàn Quốc. 

Cặp vợ chồng kể để chuẩn bị cho con trai nhập trường, họ tốn gần 1.000 USD mua sách vở, đồng phục, giày dép và cặp sách. “Có quá nhiều việc cần làm”, người vợ thốt lên khi kể về những thủ tục giấy tờ cần hoàn tất cho con trai đi học. 

Ngoài ra, họ cho biết còn nợ những người môi giới đã giúp cả nhà đào thoát từ Triều Tiên sang Trung Quốc khoảng 30.000 USD. Theo những người đào tẩu thành công, chi phí trả cho môi giới tăng mạnh kể từ khi lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền và siết chặt kiểm soát các cửa ngõ biên giới. 

Người đàn ông đánh cá đang cân nhắc giữa công việc dọn vệ sinh hoặc sửa chữa điện. Nếu làm thợ sửa chữa điện, thu nhập sẽ ngày càng khá hơn theo thời gian tích lũy kinh nghiệm nhưng trước khi bắt đầu kiếm ra tiền, người đàn ông 46 tuổi này phải trải qua khóa học nghề ít nhất 6 tháng. Còn nếu làm nhân viên dọn vệ sinh trong các trung tâm thương mại, ông có thể kiếm ra tiền ngay.

“Tôi biết công việc dọn vệ sinh sẽ vất vả và bẩn thỉu nhưng tôi còn có thể làm gì ở tuổi này cơ chứ?”, người đàn ông thở dài.

Kể từ khi ổn định cuộc sống ở Seoul, họ liên tục nghe tin tức về Thế vận hội Mùa đông PyeongChang, ngạc nhiên khi biết em gái của lãnh đạo Kim Jong-un sang Hàn Quốc dự lễ khai mạc và bất ngờ về kế hoạch gặp gỡ giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Người đào tẩu Triều Tiên sống ở Seoul bàn tán về đoàn đại biểu 500 mà Bình Nhưỡng cử sang Hàn Quốc tham dự Olympics. Họ tò mò muốn biết những người đồng hương sẽ kể gì với nhau khi trở về quê nhà sau chuyến thăm miền Nam. “Ở Triều Tiên, thông tin truyền miệng lan đi rất nhanh”, theo người đàn ông đánh cá. 

Theo Vnexpress