Home Cộng Đồng Cuộc sống của ông chủ Việt kiều Úc 30 năm rời cố hương
Cộng Đồng

Cuộc sống của ông chủ Việt kiều Úc 30 năm rời cố hương

Anh Huỳnh Nhiệm năm nay 49 tuổi. Quê anh ở Sóc Trăng. Anh định cư tại Australia đã gần 30 năm nay. Trước khi đến với nghề dạy lái xe, anh cũng đã trải qua khá nhiều công việc khác nhau để có thể mưu sinh trên đất khách.

Chiếc xe 4 chỗ chạy bon bon trên đường. Trên xe, ngay ghế ngồi của tài xế là một cô gái trẻ người Việt. Chị đang cầm lái điều khiển xe lưu thông với tốc độ cao trên đường phố của TP. Brisbane (bang Queensland, Australia). Bên cạnh chị, người đàn ông trung niên luôn có những cử chỉ và những lời giải thích mỗi khi xe sắp đến những vị trí cần lưu ý…

Người Việt học lái xe

Xe vẫn tiếp tục chạy. Mật độ xe trên đường không đông lắm nhưng xe nào cũng nghiêm túc chấp hành các hiệu lệnh giao thông trên đường. Làn đường được phân chia rạch ròi và xe cộ cứ thế lưu thông…

Cuộc sống của ông chủ Việt kiều 30 năm rời cố hương
Anh Huỳnh Nhiệm giảng giải cho học viên trong giờ tập lái

Anh ngồi bên cạnh, giải thích cho chị hiểu, những biển báo báo hiệu nơi đây có đặt camera ghi hình, nơi kia cấm rẽ phải, đoạn này hạn chế tốc độ chỉ còn 60km/h. Anh nói từng trường hợp rất cụ thể đồng thời anh còn lưu ý chị những điều cần thực hiện khi sát hạch.

Chúng tôi ngồi băng ghế sau, theo dõi công việc của anh làm. Anh là Huỳnh Văn Nhiệm (mọi người thường gọi anh là Huỳnh – SN 1969), một trong số hơn 10 giáo viên người Việt hành nghề dạy lái xe tại TP. Brisbane.

Xe bắt đầu vào cao tốc. Biển báo tốc độ cho phép lưu thông tối đa 100km/h. Xe vẫn chưa đáp ứng. Anh nói: “Em tăng tốc lên đi. Người ta cho 100 mà sao em chỉ chạy 80?”. Chị học viên nhấn thêm ga. Chiếc xe lao tới…

Rồi cứ thế, xe chạy. Anh nhìn xuống chân chị xem cách nhấn ga, đạp thắng. Anh nhìn về phía trước, tay anh chỉnh vào tay lái: “Em phải rẽ nhiều về bên phải một chút”… Nhất cử nhất động của chị không qua khỏi mắt anh. Anh kịp thời góp ý, chấn chỉnh.

Đã hơn một giờ trôi qua. Xe chuyển hướng vào trung tâm thành phố.  Đường có đông xe hơn. Tốc độ lưu thông đã giảm xuống và xe chạy chậm lại. Chị chạy vào một đoạn đường nhỏ rồi tấp sát lề. Tắt máy. Cả anh và chị đều xuống xe rồi chào từ giã nhau…

Cuộc sống của ông chủ Việt kiều 30 năm rời cố hương
 Anh Huỳnh Nhiệm bên chiếc xe dạy lái. Trên hông xe mang dòng chữ Huynh Driving School (Trường dạy lái Huynh)

Anh lên xe ngồi vào phía tay lái. “Mình đón thêm một học viên nữa anh ạ”, Huỳnh nói với tôi. Mỗi học viên như thế tôi phải kèm cặp trong suốt 1 giờ 30 phút. 

Chị học viên thứ 2 cũng người Việt. Chị ngồi vào phía tay lái, bắt đầu giờ tập. Anh Huỳnh chỉ đường và chị tăng tốc. Xe đi về hướng trường đại học Queensland…

Những ngày cuối mùa đông của Brisbane thật đẹp. Nhiệt độ đủ lạnh để ai cũng có thể rùng mình. Nắng rất nhạt và gió nhè nhẹ. Xe len lỏi trên những con đường chật hẹp qua từng khu phố cổ, từng ngôi nhà đơn độc. Buổi tập lái dường như có chút gì thơ mộng, nhẹ nhàng…

Xe sắp đến một ngã tư đường, anh ra hiệu chậm lại. “Em nhìn thấy trên đường là dấu hiệu dành cho người đi bộ không? Em phải dừng lại hẳn nếu có người đi bộ sắp băng qua. Mình chỉ được phép đi khi người đi bộ cuối cùng đặt chân lên lề đường và không con người nào qua đường nữa”, anh chậm rãi giải thích và chị học viên lắng nghe.

Buổi học vẫn còn dài. Xe tiếp tục lăn bánh. Tiếng giảng bài của người thầy vang lên đều đặn. Cô học viên cần mẫn lắng nghe. Anh Nhiệm tỉ tê truyền hết những kiến thức về lái xe cho người học lái trong suốt thời gian còn lại.

Đào tạo lái xe an toàn

Anh Huỳnh Nhiệm năm nay đã 49 tuổi. Quê anh ở Sóc Trăng. Anh định cư tại Australia đã gần 30 năm nay. Trước khi đến với nghề dạy lái xe, anh cũng đã trải qua khá nhiều công việc khác nhau để có thể mưu sinh trên đất khách.

Năm 1996, anh kết hôn với người phụ nữ Việt ở Úc tên Chi Đặng, quê Vĩnh Long. Sau khi về chung một nhà, vợ anh mở một tiệm bánh mì Việt Nam. Nhờ hương vị thơm ngon, tiệm của chị lúc nào cũng đông khách. Hai con anh chị nhờ vậy cũng được chăm lo chu đáo.

Xe vào đoạn đường thoáng. Anh bắt đầu câu chuyện… “Tôi đến Sydney ở với người anh vào năm 19 tuổi. Tay trắng. Tôi vừa đi học vừa làm việc cho một nông trại. Công việc nhàn nhã nhưng không vì thế mà tôi chấp nhận. Mình còn trẻ, cần có hướng đi mạnh mẽ hơn.

Ba năm sau, rời nông trại, từ giã luôn Sydney, tôi tới Brisbane tìm học nghề máy lạnh xe hơi. Học xong, tôi vào làm việc cho một hãng xe. Nhờ nỗ lực làm và học, không lâu sau đó tôi có được một số kiến thức tương đối vững vàng về nghề điện lạnh và được bố trí công việc đào tạo lớp thợ mới.

Cho thuê nhà & những sai lầm mà người Việt ở Úc hay mắc phải

Nghề máy lạnh thu nhập không cao. Nhiều người mách cho tôi nghề dạy lái xe. Muốn được dạy lái, tôi phải qua một lớp đào tạo để có khả năng sư phạm. Tôi theo học và tốt nghiệp ra trường.

Lúc này công việc ở hãng xe tôi vẫn giữ. Giờ rảnh, tôi nhận dạy lái. Ban đầu một vài người quen nhờ chỉ dẫn rồi sau đó, người này giới thiệu người kia, số người theo học đông dần. Tôi nghỉ hẳn bên hãng xe sống trọn với nghề dạy lái. Thấm thoát mà đã gần 20 năm”.

Câu chuyện đến đây bỗng dừng lại. Chị học viên vẫn giữ đều chân ga. Anh nói: “Chậm lại đi em. Xe sắp đến ngã tư rồi. Em phải quan sát chứ”. Ngã tư không đèn tín hiệu. Đường vắng. Phía trước, một tấm biển báo có chữ Stop …

Cuộc sống của ông chủ Việt kiều 30 năm rời cố hương
Thầy và trò

Dừng lại. Anh Huỳnh giải thích cho chị học viên: “Khi đến một ngã tư không đèn tín hiệu mà phía trước có biển báo, em phải dừng lại quan sát trong 2 giây nếu không có xe thì qua. Ngược lại mình phải nhường đường nếu chiều của mình không được ưu tiên”.

Anh Huỳnh giải thích từng li từng tí. Phải có những buổi lái thực tế như thế này và có người ngồi bên kèm cặp thì mới nhanh biết lái. Ở Australia và các nước phát triển khác, không có bằng để tự lái xe, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, ai cũng muốn có một mảnh bằng – nhất là những người mới nhập cư và các du học sinh.   

Muốn có một bằng lái thực thụ, trước tiên mình phải tự học và tự đi thi phần lý thuyết. Ở Australia, 16 tuổi mới được thi lý thuyết. Sau khi đậu lý thuyết xong mới bắt đầu tập lái. Lúc bấy giờ phải đi tìm thầy và phải đợi đến đủ 17 tuổi mới được thi lấy bằng. 

Trời đã về chiều. Chiếc xe quay trở lại trả người về chốn cũ. Giờ tập lái đã hết. Thầy, trò chia tay. Anh nở nụ cười thật tươi nói với chúng tôi: “Lái xe là công việc nguy hiểm. Mình không chỉ giúp các em đủ kỹ năng lấy được bằng lái mà phải  đào tạo để trở thành người lái xe an toàn”.

(Còn tiếp)

Theo Vietnamnet