Home Cộng Đồng Chúng ta đã quên mất, còn có một lý do không thể gộp Tết Nguyên Đán với Tết Tây
Cộng Đồng

Chúng ta đã quên mất, còn có một lý do không thể gộp Tết Nguyên Đán với Tết Tây

VietVisionTour (04 35579081)

Báo Alo Úc – Cách đây 12 năm, khi Giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra đề xuất gộp Tết Nguyên Đán với Tết Tây, dư luận đã tranh luận sôi nổi mà ai cũng có những lý lẽ thuyết phục của riêng mình.

Từ đó, cứ mỗi lần Tết sắp đến, người ta lại quay trở lại với chủ đề này. Thế nhưng, có một lý do, vượt ra ngoài những lợi ích về kinh tế, năng suất lao động hay thói quen, tình cảm đối với hương vị cổ truyền, Tết Nguyên Đán còn có một ý nghĩa lớn hơn nữa, mà chúng ta đã đang dần quên đi.

Khi Đất Trời sang chu kỳ mới, vạn vật, cỏ cây đều đón Tết, cớ sao lòng người lại muốn chệch đi?

Nguyên chữ “Tết” chính là đọc lái đi của “Tiết”. Trong nền văn minh lúa nước từ thời Hùng Vương xưa kia, vì đời sống quay quanh việc canh tác nông nghiệp, nên đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau, giữa mỗi tiết lại có một thời khắc gọi là “giao thời”.

Tiết xuân chính là khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới, nên đó là tiết quan trọng nhất trong năm. Sau này được gọi là Tết Nguyên Đán, Tết chính là Tiết, Nguyên là sự khởi đầu mới và Đán là buổi sớm.

Trong “Thuyết văn giải tự” ý nghĩa của từ “năm” là “ngũ cốc đại thục” (ngũ cốc chín). Cổ nhân sau khi được mùa phải cảm tạ Thần linh bảo hộ, do đó sẽ tiến hành nghi lễ quan trọng là thờ phụng và cảm tạ Thần linh, đồng thời cầu xin năm sau mưa thuận gió hòa.

Mâm cúng Thiên Địa cảm tạ Đất Trời. (Ảnh: Pinterest)

Người thời nay cho rằng người thời xưa phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, mà lại chẳng thể “cải tạo” được thiên nhiên nên mới nghĩ ra các vị Thần và kính ngưỡng, cầu xin, những mong có được đời sống an hòa, mùa màng bội thu. Giờ đây, khi cuộc sống vật chất ngày một đủ đầy, công việc ngành nghề cũng rất đa dạng và những nghề như tài chính, thương mại, công nghệ… kiếm bộn tiền khiến người ta dần coi thường nông nghiệp và thiên nhiên mà lại ảo tưởng rằng chỉ cần có tiền là có tất cả.

Thế nhưng thử hỏi, hàng ngày chúng ta sống được là nhờ cái gì? Chẳng phải đều là cần ăn uống, hít thở sao? Dù giàu có, quyền lực đến mấy, ai thì cũng phải phụ thuộc vào thiên nhiên và vật phẩm của tạo hóa để duy trì được sự sống. Dù có phát triển, văn minh đến đâu, con người cũng vẫn cần phải canh tác, gieo trồng. “Cải tạo” thiên nhiên cũng là giấc mơ hoang đường của loài người mà ngày nay người ta đã dần thức tỉnh. Những gì trái tự nhiên đều đang cho thấy những biến dị bất thường và nguy hiểm.

Mà dẫu cho bạn không tin vào những thế lực vô hình có thể tác động được tới đời sống con người, thì ít nhất, đã làm người, chúng ta đều cần phải có lòng biết ơn. Nhất là khi mạng sống của chúng ta có được và được duy trì là nhờ quy luật siêu việt của tự nhiên.

Con người sống phải có lòng biết ơn. (Ảnh: Soha)

Chúng ta có nên biết ơn vì bộ máy lọc tuyệt vời của tự nhiên vẫn cần mẫn vận hành từng giây, từng phút không chút đòi hỏi để chúng ta có không khí trong lành mà thở? Chúng ta có nên biết ơn từng nhành cây ngọn cỏ, gia cầm, gia súc đã cho chúng ta lương thực và thực phẩm để ăn? Chúng ta có nên biết ơn khi mưa thuận, gió hòa?

Hay phải đợi đến khi thiên nhiên dạy cho con người về sự vô ơn sẽ phải trả cái giá đắt. Bằng những cơn bão cuồng nộ, những đợt nóng lạnh bất thường, những con sóng thần không gì ngăn cản nổi hay những đợt động đất vô tiền khoáng hậu, lúc đó con người mới thấy mình thật nhỏ bé và đầy mộng tưởng về khả năng của mình.

Biết ơn là điều cần phải có, và ngày Tết Nguyên Đán chính là một dịp thích hợp để con người bày tỏ lòng biết ơn của mình trước những gì đã và đang giúp duy trì sự sống cho chúng ta.

Thế nhưng điều đó thì liên quan gì tới việc gộp hai Tết làm một? Thật ra ăn Tết Nguyên Đán chính là chúng ta hòa cùng với Đất Trời, thời gian không thể sai lệch, bởi nếu không cả Đất Trời đón Tết còn mình ta lại chạy trước một đoạn.

Vào đúng Tiết xuân, cũng là cuối một chu kỳ vận hành của Thiên Địa. Cỏ cây hoa lá đều rục rịch đón Tết. Hoa thủy tiên đỏng đảnh cầu kỳ cũng chuẩn bị nhú mầm để đúng đêm giao thừa khai nở, hoa cúc thắm tươi nở rộ cả cây để báo hiệu Xuân sắp về, mai cốt cách thanh cao cũng bắt đầu đâm chồi nảy lộc, đào thắm nồng e ấp chuẩn bị khai nhụy đón Xuân… Tiết trời ấm áp, chim chóc, muông thú tràn đầy năng lượng để bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới. Nếu tĩnh lại mà nghe, mà nhìn, bạn sẽ thấy thiên nhiên cũng đón Tết ở khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ là một sinh mệnh nhỏ nhoi giữa thế giới này, cớ sao lại không hòa vào cùng với không khí hân hoan đó.

Nếu đón Tết Nguyên Đán sớm cùng Tết Tây, người ta sẽ phải ép cây cối, hoa cỏ đơm hoa kết nụ sớm để mang dư vị Tết lại cho con người. (Ảnh: Live-less-ordinary)

Tết Nguyên Đán thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch, cách ngày 1/1 khá xa, nên nếu gộp chung hai Tết với nhau, chúng ta sẽ “ăn Tết” với nhau mà không cùng chung với Đất Trời và vạn vật. Cái Tết vị lúc đó, liệu còn ấm áp, sáng ngời như đúng tiết xuân không?

Lúc đó liệu những người trồng quất, đào, có phun thuốc, ép cây phải trổ hoa, kết quả để kịp đem bán không? Liệu chúng ta có ép thiên nhiên chiều lòng người để đem hương vị Tết đến cho chúng ta không? Hay chúng ta cũng chẳng cần mà Tết cũng chỉ là dịp nghỉ dài để thư giãn mà thôi? Nếu thế, thì đúng là gộp hai cái Tết vào nhau cũng chả sao.

Tết mà chẳng có phong vị Tết thì sẽ ra sao? (Ảnh: Pinterest)

Nhưng Tết Nguyên Đán không chỉ là một dịp nghỉ lễ dài

Nếu Tết chỉ là những ngày nghỉ dài, thì chúng ta đã vô tình chặt đứt cây cầu nối với tâm thức của tiền nhân, với truyền thống và nguồn cội. Nếu không có nguồn cội là sự kính ngưỡng Thiên Địa, Thần linh, con người sẽ vô ơn, bạc bẽo, tự tin vào khả năng của mình đến mức huyễn tưởng và ngông cuồng. Sẽ chẳng còn sợi dây nào neo giữ đạo đức thế nhân, bởi khi họ không có gì để tin thì cũng chẳng có gì để sợ.

Nếu gộp Tết Nguyên Đán với Tết Tây, không đúng thời khắc giao thời, thì chẳng cần làm lễ “Tế Thần tế tổ” nữa. Sẽ chẳng cần bàn lễ Thiên Địa, mời Thần Phúc, Thần Tài, Thần Hỷ, Thần Thái Tuế, thỉnh đón Táo Quân, chưng câu đối Tết, đốt pháo đuổi tà ma… Vì không đúng lúc giao thời, thì những nghi lễ trên sẽ trở thành hình thức tượng trưng mà thôi, chẳng còn ý nghĩa tâm linh nào nữa.

Không đúng thời khắc giao thừa thì cúng Thiên Địa chỉ thành hình thức mà thiếu nội hàm. (Ảnh: MarryLiving)

Những nghi lễ đã quá quen thuộc và không thể thiếu trong ngày Tết đó, chính là một kiểu biểu đạt “trên đầu ba tấc có Thần linh” của người xưa. Và nhờ có sự tin tưởng vào tác dụng giám sát của các Thần, con người tự nhiên sẽ kiềm chế hành vi của bản thân mình mà hướng Thiện.

Buồn sao khi con người chẳng còn hòa cùng vạn vật để đón một chu kỳ mới của Thiên Địa mà chính họ cũng là một sinh mệnh nhỏ bé ở trong đó. Buồn sao khi con người chẳng còn tin tưởng vào sợi dây níu giữ đạo đức của mình. Chúng ta chỉ cần được nghỉ ngơi, chơi bời, chỉ cần quan tâm đến năng suất lao động, tiết kiệm tiền của và thời gian. Sống gấp gáp, vội vàng mà không biết ơn chính điều đã mang tới cho mình sự sống.

Ai có lòng cảm ân và khiêm nhường, người ấy mới đắc được thêm nữa. Bởi:

“Đạo trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiết hụt. Quy luật của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì được đắp bồi. Luật quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn. Đạo làm người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương”. (Trích Quẻ Khiêm trong Chu Dịch)

Cũng không thể nói “cả thế giới ăn Tết Tây thì sao?”, bởi không phải cái gì số đông làm cũng đều là hợp lý. Tại sao không thể nghĩ rằng, cả thế giới, có còn được bao nhiêu nơi giữ được văn hóa Thần truyền như chúng ta? Thật ra Tết Tây trước đây cũng là rơi vào ngày phân xuân, hoặc ngày giao giữa hai tiết khí. Caesar khi thiết lập ngày Năm mới cũng đã chọn ngày phù hợp với những điểm chí hay điểm phân và tiết khí tính theo hệ thống thời gian cho lịch Mặt trời. Còn trước đó nữa thì ngày Năm mới chính là ngày phân xuân. Nghĩa là người ta cũng đã chọn thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới phù hợp với chu kỳ vận hành của Đất Trời. Sau này, người ta đã thay đổi lại lịch, lâu dần thành thói quen, nhưng thói quen chưa chắc đã là đúng đắn.

Thiên Địa Nhân vốn phải giao hòa thì con người mới có thể phát triển tốt và trường tồn. Con người dẫu chỉ tách mình ra khỏi những yếu tố sống còn của thiên nhiên chỉ vài phút thì cũng đủ mất mạng. Vậy sao còn không biết cảm ân và trân trọng. Hòa mình vào với Đất Trời để cùng nghênh Tân Xuân, chẳng phải là điều nên làm sao?

Theo ĐKN/Báo Alo Úc